Thực tế này đang dập tắt những "đốm lửa" mới nhen nhóm về đà phục hồi của Khu vực sủ dụng đồng euro (Eurozone), trong bối cảnh Nga và châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt, gây phương hại cho kinh tế cả đôi bên.
Số liệu thống kê cho thấy do hoạt động xuất khẩu yếu, đầu tư đi xuống, GDP của nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức giảm 0,2% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng 6/2014 và đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong hơn một năm.
Cùng kỳ, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone ở trạng thái “đứng yên” sau khi tăng trưởng 0% trong quý Một.
Sau kết quả đáng thất vọng này, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Michel Sapin đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm nay từ 1% xuống khoảng 0,5%, đồng thời cho rằng Pháp sẽ không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách về mức tương đương 3,8% GDP.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone là Italy đã sụt giảm 0,2% trong quý Hai, ghi dấu lần suy thoái thứ ba kể từ năm 2008. Số liệu này càng gây thêm sức ép buộc Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế như đã cam kết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ của Eurozone không nên nhắm vào việc làm yếu đồng euro và các nước thành viên cần từng bước thúc đẩy tăng trưởng. Đánh giá về động thái tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành cho thấy chỉ có 15% cơ hội để ECB bắt đầu bơm tiền trong năm nay.
Hiện nay, nhiều người tỏ ra quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của Eurozone. Chỉ số lòng tin của các nhà đầu tư và phân tích Đức trong tháng 8/2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm rưỡi qua. Nhà kinh tế Evelyn Herrmann, thuộc BNP Paribas, cảnh báo nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý Ba, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị.