Thông tin trên đươc báo Tấm gương của Đức đăng tải vào ngày 27/7.
Hai hướng đang được EU thảo luận gồm cách tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính châu Âu và việc trao đổi, buôn bán hàng hóa quân sự, các công nghệ then chốt, đặc biệt cho ngành năng lượng và hàng hóa lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Theo các nhà ngoại giao, đại sứ 28 nước thành viên EU đã ủy thác cho Ủy ban châu Âu soạn thảo những chi tiết liên quan tới các biện pháp trừng phạt mới này.
Trước đó, ngày 26/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được phê chuẩn trong ngày 29/7.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận tại Đức, đa số người dân nước này được hỏi ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, dù những biện pháp đó có ảnh hưởng tới thị trường việc làm ở Đức.
Theo kết quả thăm dò, 52% số người Đức được hỏi cho rằng cần siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ rơi máy bay MH17, dù Đức có bị mất nhiều việc làm vì các biện pháp trừng phạt đó.
Kết quả này cho thấy đa số người Đức đã không còn coi lợi ích kinh tế của đất nước, liên quan các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, là ưu tiên hàng đầu.
39% số người được hỏi phản đối tăng cường trừng phạt Nga, trong khi 54% phản đối Berlin áp đặt riêng các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Moskva.