Ngay sau khi Chính phủ Nga công bố các biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhiều nước phương Tây đã phải thừa nhận quyết định của Nga chắc chắn gây thiệt hại đối với các quốc gia có quan hệ xuất nhập khẩu thực phẩm với Nga.
Giới phân tích cho rằng việc Nga cấm nhập khẩu hoàn toàn thịt gia súc, gia cầm, rau quả và các sản phẩm bơ sữa từ EU, Mỹ, Australia, Canada và Na Uy, có thể gây thiệt hại khoảng 16 tỷ USD đối với EU, đồng thời đẩy khu vực này càng lún sâu vào khủng hoảng.
Kênh truyền hình ARD ngày 7/8 của Đức dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp nước này Christian Schmidt cho biết biện pháp trả đũa của Nga không những đặt ra thử thách trong quan hệ hợp tác Đức-Nga mà còn có thể kéo theo nhiều hệ quả xấu khó lường đối với ngành công nghiệp thực phẩm của Đức nói chung và các mặt hàng chủ lực xuất sang Nga nói riêng, như thịt, xúc xích, các sản phẩm bơ sữa.
Theo số liệu thống kê năm 2013 của Bộ Nông nghiệp Đức, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của nước này sang Nga đạt 1,6 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD), trong đó giá trị các mặt hàng thịt và các sản phẩm bơ sữa chiếm lần lượt là 346 triệu euro và 165 triệu euro.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp Hội nông trang Italy (CIA) cho biết quyết định cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Nga đối với EU, Mỹ và một số nước phương Tây khác, có thể gây tổn hại cho Italy trên 1 tỷ euro.
Theo đại diện CIA, Hiệp hội hiện đang rất lo ngại đối với các loại mặt hàng trái cây và rau tươi xuất khẩu, vì bên cạnh việc không nhận được hỗ trợ đầy đủ để đối phó với khủng hoảng kinh tế hiện nay, các loại sản phẩm nông nghiệp này có nguy cơ thiệt hại nhiều hơn do Nga áp đặt biện pháp trả đũa.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa vấn đề này ra trong cuộc thảo luận vào ngày 8/8 giữa Ủy viên Âu phụ trách về vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nhóm vận động hành lang đại diện cho các chủ trang tại châu Âu.
Phó Chủ tịch CIA, Antonio Dosi, sẽ tham gia cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân châu Âu và Italy gặp phải do lệnh trừng phạt từ Nga.
Cũng trong ngày 7/8, Giám đốc điều hành Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch Soren Gade thừa nhận ngành xuất khẩu thực phẩm của nước này có thể thiệt hại tới 3,5 tỷ kroner (631 triệu USD) do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga.
Thủ tướng Estonia Taavi Roivas cùng ngày nhận định khó có thể nói hết tác động của các biện pháp trừng phạt từ phía Nga tới ngành công nghiệp thực phẩm Estonia. Tuy nhiên, theo ông, tác động tồi tệ nhất đó là việc các doanh nghiệp địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, cũng như không thể duy trì được nguồn cung lâu dài do lệnh cấm của Nga làm giảm đáng kể nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Mặt hàng chủ lực hiện Estonia xuất sang Nga là sữa (chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu), tiếp đến là thịt gia súc chiếm 5,5%.
Trong khi đó, biện pháp trả đũa của Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cơ sở chế biến của Bỉ.
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp chế biến thịt (Febev) Thierry Smagghe cho rằng đây là một đòn nặng nề đối với ngành chế biến thực phẩm và khoảng 500 nhân viên sẽ mất việc ngay thời gian tới. Theo ông, riêng vùng Wallonie sẽ thiệt hại khoảng 25 triệu euro.