Đó là các nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Italy.
Theo phòng thông tin Điện Elysse, cuộc điện đàm trực tuyến do Tổng thống Pháp Francois Hollande khởi xướng đã nhận được sự nhất trí của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
5 nhà lãnh đạo này cùng cho rằng các sức ép đến thời điểm này chưa đủ mạnh để buộc Nga phải thay đổi.
Mỹ đang có kế hoạch công bố bổ sung các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vào cuối tuần này.
Trong khi đó, EU cũng đã nhất trí danh sách 5 quan chức thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị trừng phạt, và bổ sung 2 ngân hàng khác vào nhóm bị cấm vận là Sberbank và VTB Bank, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).
Theo nhận định của WSJ, EU đang có dấu hiệu muốn mạnh tay một lần để "hạ gục" Nga, bằng việc giới hạn tối đa sức mạnh của các ngân hàng thuộc nhóm chủ lực của Nga vào danh sách trừng phạt, như với Sberbank và VTB Bank.
Cho đến nay, Tổng thống Nga Putin dường như vẫn còn khá điềm tĩnh. Bằng chứng là ông chưa có phản ứng gì về các lệnh trừng phạt liên tục được bổ sung của Mỹ và EU trong vòng 1 tháng qua.
Phản ứng về động thái mới của Mỹ và EU, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích phương Tây chỉ biết đòi hỏi Nga “thay đổi chính sách” còn bản thân thì “không chịu cởi mở”.
“Tôi không thể hiểu nổi họ ám chỉ thay đổi là có nội dung gì”, ông Lavrov nói với tờ Itar-Tass.
Đến nay, “chúng tôi vẫn ủng hộ lộ trình của OSCE và mời quan sát viên quốc tế đến giám sát khu vực biên giới” nhưng họ “quá chần chừ để giải quyết những việc rất đơn giản, còn tôi không biết tại sao nữa”, vẫn lời ông Lavrov.