| Hotline: 0983.970.780

Facebooker U70 ngày ngày đạp xe 40km để livestream khuyến nông không công

Thứ Sáu 15/04/2022 , 09:17 (GMT+7)

Đối với bà con ông là một “hiệp sĩ" khuyến nông bởi những việc làm hữu ích, còn với ông thì nguyện giúp họ đến ngày nào không đi được nữa mới thôi.

Một ngày như mọi ngày

“Em cam đoan với chị ruộng này không phải là nhiều chuột đâu, chỉ có 1 - 2 con thôi nhưng nó mà đã ghét chòm nào thì ghét cay ghét đắng, chỗ này này, nếu không đánh em cam đoan ngày mai nó lại tiếp tục vào. Người người diệt chuột, nhà nhà diệt chuột chứ căng ni lông quanh ruộng thế này cũng chưa triệt để đâu, một là nó nhảy qua, hai là nó cắn chui vào…”. Giọng thuyết minh livestream của ông vang vang khi nói chuyện với một phụ nữ đang lúi húi ở bờ ruộng.

Ống kính từ cái điện thoại của facebooker U70 này hướng vào một số người đang thu dọn bẫy chuột: “Các ông bẫy chuột này rất tích cực, tôi hoan nghênh nhưng hôm nay đói rồi, được có 3 con. Bây giờ bà con phải trả 30.000đ/con mới được chứ trả 15.000đ/con, rẻ quá, chuột giờ khôn lắm rồi!”. Rồi cận cảnh vào người già nhất, ông hỏi: “Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”. Ông kia trả lời: “Tôi 70”. “70 mà trông bác vẫn phong độ nhỉ?”. Ông xuýt xoa.

Mỗi ngày ông Tiến đều đạp xe khoảng 40km để livestream khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi ngày ông Tiến đều đạp xe khoảng 40km để livestream khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông kia giải thích: “Hôm nay là 28/3 dương lịch, tức là ngày chuột đang ngứa răng, không ăn mồi nữa, hôm qua tôi được 23 con đã định nghỉ rồi nhưng dân vẫn lôi đi hôm nay”. Nghe câu bình luận: “Đấy, ông này kinh nghiệm đến thế cơ chứ!” ông kia liền bảo: “Ở khu này đánh chuột không có ai địch nổi tôi đâu. Giai đoạn này tỷ lệ chuột đực cái là như nhau nhưng giữa tháng đánh sẽ được nhiều chuột cái hơn, gió bấc là kém, gió đông mới đánh được”.

Ông lại khen rồi hỏi: “Bác nói thế là em phục bác rồi. Thế bác gái năm nay bao nhiêu tuổi?”. “Nhà tôi gần 70 rồi nhưng vẫn ăn gian tuổi để đi làm công ty”. Ông kia trả lời. “Thế nhưng cái này tế nhị chỉ có mình em và bác biết thôi nhé, bây giờ 1 tuần bác nộp thuế cho bác gái được mấy lần?”. Câu hỏi khiến ông kia cười, mặt cúi xuống, chừng xấu hổ: “Tôi thì vẫn vô tư, lúc nào cũng được”. Ông lại tiếp tục: “Thế thì em lại bái phục bác. Tại sao em lại hỏi câu đấy? Vì để kiểm tra sức khỏe. Người ta thường hỏi bác có khỏe không, sau đó hỏi con cái chứ không hỏi có bao nhiêu mảnh đất, bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu cái nhà bác công nhận không? Có 1 người bằng tuổi em thôi (65) bị tai biến, nằm một chỗ 3 năm rồi, ông ấy bảo: “Tao có hàng chục tỉ nhưng tao sẽ đổi toàn bộ tài sản của tôi chỉ để đi được như mày”...

Ông Tiến livestream nhà kính của anh Ngà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến livestream nhà kính của anh Ngà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi lần ông phát trực tiếp vừa nội dung kỹ thuật vừa dí dỏm chừng trên dưới 10 phút, không quá dài để người xem sinh chán nhưng không quá ngắn để vẫn đủ gói gọn những thông tin mà nhà nông thường muốn hỏi. Ông là Vũ Văn Tiến nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Nghỉ hưu từ năm 2020, hiện 65 tuổi ông vẫn ngày ngày đạp xe 40km trong và ngoài huyện để tư vấn cho nhà nông một cách không công bằng livestream hỏi đáp trực tiếp.  

“Bố mẹ tôi đều là nông dân, sinh được 10 người con, nghèo lắm, tôi từng phải ăn cả củ khoai trong nồi cám lợn. Nông dân bây giờ vẫn khổ nên những ngày cuối cùng của cuộc đời tôi cố gắng thêm cho nông dân được đồng nào hay đồng đấy bằng cách truyền dạy kiến thức, đến bao giờ không đi được nữa mới thôi. Tôi làm không kèm theo điều kiện gì cả, thỉnh thoảng người ta cho cân gạo, con gà là vui rồi”, ông kể.

Nhưng khi làm dự tính, dự báo cho 9 HTX trong huyện thì ông có nhận phí. “Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp có làm dự tính, dự báo chung tuy nhiên huyện có 19 xã, nơi cấy sớm, nơi cấy muộn, giống, chế độ chăm sóc khác nhau nên sâu bệnh cũng khác nhau. Có 9 HTX thuê tôi để làm dự tính, dự báo cho thật cụ thể, họ tự trả cỡ 4 - 5 triệu/vụ chứ tôi không đòi. Một số nơi của tỉnh Hưng Yên cũng muốn thuê làm như vậy nhưng do xa quá tôi không làm được. Tôi thường đến các hộ nông dân, chủ trang trại giỏi vì có những thứ tôi không thể bằng họ được, phải học hỏi rồi phân tích, biến kiến thức của họ thành của mình rồi lại đi đến những nơi khác để giới thiệu. Tôi phải làm học trò nhiều lần như thế vì có những thứ sách vở không hề dạy.

Ông Tiến đang livestream trên một ruộng lúa.

Ông Tiến đang livestream trên một ruộng lúa.

Trước kia nói về tập huấn khuyến nông, không phải khoe chứ tôi cũng được người ta xếp vào loại đứng đầu tỉnh, có nhiều đề tài khoa học như trồng ngô không cần làm đất chẳng hạn. Lúc đầu, khi các công ty về thuyết trình bằng máy chiếu tôi thích lắm nhưng chỉ dám mơ thôi vì nó quá đắt. Không có máy chiếu tôi tận dụng quyển lịch to, vẽ ở mặt sau vòng đời của sâu rồi lật từng tờ để mà giảng. Khi giá máy chiếu, laptop hạ tôi liền mua ngay. Sau đó tôi nghĩ phải có nhân chứng, vật chứng trong mỗi buổi khuyến nông nên mua cả máy ảnh để chụp rồi cóp vào mà trình chiếu. Tôi thường lồng ghép chương trình dân số với khuyến nông để mọi người không chán nhưng cũng là cách so sánh sao cho họ dễ hiểu. Đến khi về hưu, dịch Covid không đi được nữa tôi mới nghĩ ra chuyện livestream.

Sáng, cỡ 6 giờ là ông đi điều tra sâu bệnh bởi thời điểm này rất hợp để phát hiện, dừng lại làm livestream. Nếu thửa ruộng, trang trại nào tốt, nông dân nào có cách làm hay cũng được ông phân tích, biểu dương ngay. Gần trưa ông về, chiều cỡ 1 giờ rưỡi lại đi đến sẩm tối. Ngày nào cũng như ngày nào, trừ lúc mưa ông mới chịu ở nhà.

Nói chuyện thôi chứ không được áp đặt

“Tập huấn kiểu mở lớp bây giờ lạc hậu rồi mà phải trực tiếp ra ngoài đồng, hướng dẫn theo kiểu nói chuyện thôi chứ không được áp đặt. Nông dân đang rất cần những người biết kỹ thuật hướng dẫn họ, như huyện Thanh Miện có 6.700ha lúa nhưng chỉ cần giảm 1 lượt phun thuốc sâu là giảm được tiền tỉ. Giờ loạn phân bón, loại thuốc BVTV, loạn giống, loạn thông tin. Những người bán thuốc, bán vật tư muốn bán được nhiều thì phải quảng cáo, giới thiệu, trong khi đó nông dân lại nghĩ, công phun là chính chứ tiền thuốc đáng bao nhiêu. Mỗi người đáng bao nhiêu như thế cộng lên lại rất nhiều…

Ông Tiến đang livestream với chị Nhung về loại cỏ không thể dùng thuốc để diệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến đang livestream với chị Nhung về loại cỏ không thể dùng thuốc để diệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bây giờ ruộng hoang nhiều nên có những người đứng lên nhận cấy và đưa cơ giới hóa vào như hộ Thìn-Ái ở xã Ngô Hùng làm khoảng 130 mẫu, diện làm 40-50 mẫu có khá nhiều. Tôi đang tư vấn cho nhà cô Trần Thị Nhung ở xã Tân Quang huyện Ninh Giang. Cô ấy có 2 máy cày, 2 máy cấy, 2 máy gặt, 2 máy sấy, tổng giá trị cỡ 4 tỉ, cấy hơn 90 mẫu, lãi khoảng 500 triệu/vụ nhưng đang lo về một loại cỏ không thể diệt được bằng thuốc, trước chỉ có ở đồng trũng, giờ lan sang đồng cao, ăn hết dinh dưỡng của lúa. Xong đâu đấy thì lại đến học kỹ thuật từ nhà màng trồng dưa chuột Nhật của anh Đoàn Minh Ngà ở cùng xã Tân Quang để truyền cho các nhà màng khác. Nếu muốn anh có thể đi cùng”. Vậy là tôi với ông cùng lên đường.

Vừa đi, ông vừa kể hai người con đều học giỏi, làm ngoài Hà Nội, khá thành đạt, còn cửa hàng ở quê hàng năm bán hàng trăm tấn giống của các công ty nhưng mỗi khi có hàng mới ông đều làm thử nghiệm, theo dõi rồi mới khuyến cáo, cái gì không phù hợp thì kiên quyết thôi. Cửa hàng đó vừa đem lại thu nhập cho ông vừa là cơ hội để giúp dân.

Ông Tiến bên chị Nhung cùng những máy móc cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Tiến bên chị Nhung cùng những máy móc cơ giới hóa đồng bộ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Làng giờ những người còn khỏe đều đi làm công ty hết, nếu mà mở các lớp tập huấn nhiều khi toàn cụ già lụ khụ đi, mà phải cho tiền nữa. Già rồi họ có nghe gì nữa đâu, chỉ “hở, hở, cái gì đấy?”. Bởi thế ông làm livestream, ngoài phát trên trang cá nhân còn đăng vào nhiều hội nhóm để cho nông dân tiện theo dõi, lúc nào muốn xem lại cũng được. Vì hấp dẫn nên nhiều clip tới cả trăm, cả ngàn lượt xem.

Có những công ty giống, thuốc đến đặt vấn đề rằng nếu quảng cáo cho họ thì sẵn sàng chi “màu” nhưng ông từ chối thẳng. “Thời tiết thế này mà những họ khuyến cáo đạo ôn thì có giết người ta không bởi chẳng cần phải phun gì cả”.  

Một buổi livestream khác, thấy chị nông dân đang ngồi bên bờ ruộng cùng ba cùng người nữa, ông phát ngay: “Đây nhá, tôi đang thăm cánh đồng lúa của thôn Phạm Tân xã Ngô Quyền. Đây là giống nếp hương, cấy máy, hiện tượng lá như thế này là bọ xít, ruồi vàng. Cô phải hiểu cho anh, 1 cây lúa có 16 - 18 lá, quan trọng nhất phải giữ được thứ nhất là lá đòng và thứ hai là 2 lá gần đòng, mà đối tượng gây hại 3 lá đó là sâu cuốn lá, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, còn bọ xít, ruồi vàng chích hút thì kệ nó. Có một ý nữa, sinh ra con sâu thì có con khác đến ăn sâu, nếu bây giờ cô phun thì sẽ chết hết cả.  

Ông Tiến đang trao đổi bên bờ ruông với chị Nhung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến đang trao đổi bên bờ ruông với chị Nhung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói tóm lại sâu bệnh cuối vụ mới là quan trọng, cũng giống như cuộc đời của chúng ta về cuối mới là quan trọng. Bốn người chúng ta đứng đây chưa biết ai hơn ai được nhưng tôi bảo không phải lúa tốt là cho năng suất, không phải người béo là khỏe. Quan trọng nhất là các vị phải chăm bón luôn ngay bây giờ, không được lai rai, hôm nay là 31, mai là ¼ rồi. Nếu trà sớm như mọi năm là bây giờ đã đứng cái, nhưng năm nay cấy sớm nhất bây giờ vẫn chưa đứng cái. Cây trồng có hai nguồn chất dinh dưỡng cung cấp, một là thiên nhiên, hai là con người. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Năm nay có những người rắc phân rồi, chưa thấy lúa lên lại rắc tiếp. Thường ra thanh minh là có mưa rào, cung cấp thêm một lượng đạm nữa là lúa bị lốp...

Nhìn ông kia phun thuốc kìa, mọi người cứ thấy bọ xít, ruồi vàng là phun nhưng ruồi vàng chích hút nó bay đi, phun giải quyết được cái gì, về sau lá nõn của lúa lại vút lên thôi...Đây là Giám đốc HTX Phạm Tân, xã Ngô Quyền nhé. Lúa quá đẹp rồi, cấy thưa thế này là năng suất cao, sâu bệnh giảm, giờ chỉ phải tập trung chăm bón, chưa cần phải phun đâu”.

Ông kể cho tôi có anh nông dân ở xã nọ cấy 40 mẫu, định pha thuốc để phun diệt sâu cuốn lá, tính ra là mất 20 triệu. Khi ông đến gặp mấy nông dân ở xã đó, xem xét tình hình rồi khuyên: “Nếu ai tin tôi thì không phun còn nếu không tin thì phun một nửa”. Trong khi đó lại xảy ra chuyện là vợ anh nông dân rất xinh, người chồng thấy ông trông to cao mới ghen, bảo vợ: “Mày nghe nó hay sao?” và quyết định không phun một nửa nữa mà phun hết. Nhưng ông hàng xóm thì lại nghe, không phun, về sau chẳng bị sâu cuốn lá gì cả trong khi nhà anh kia mất trắng 20 triệu tiền thuốc. Chị vợ mới chửi anh chồng: “Đấy nhé, hôm đấy mày cứ ghen tuông, mày mà nghe ông ấy có phải đỡ được 20 triệu rồi không?”. Đến bây giờ, người chồng lại kết bạn facebook với ông để thường xuyên xem các buổi livestream hữu ích...

Chị Phạm Thị Nhung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Miện: “Ông Tiến tuy đã nghỉ hưu nhưng có điều kiện kinh tế, thời gian, sức khỏe, chuyên môn và đam mê nên thường đi hỗ trợ kỹ thuật giúp dân là điều rất đáng quý”.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Mù Cang Chải thu hút khách du lịch suốt bốn mùa

YÊN BÁI Với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi non trùng điệp cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc, Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn du khách 4 mùa trong năm.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.