| Hotline: 0983.970.780

FAO đặt niềm tin vào sự chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam

Thứ Sáu 10/11/2023 , 17:04 (GMT+7)

Các đại biểu quốc tế, chuyên gia nông nghiệp đều hoan nghênh sáng kiến của Bộ NN-PTNT về việc thành lập nhóm Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Hội nghị về chuyển đổi hệ thống LTTP do Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều 10/11. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội nghị về chuyển đổi hệ thống LTTP do Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều 10/11. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 10/11, Bộ NN-PTNT và các Đối tác tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam”. 

Đại sứ các quốc gia, đại diện tổ chức quốc tế khẳng định Hội nghị là cần thiết để cập nhật định hướng, mục tiêu của Bộ NN-PTNT trong xây dựng hệ thống LTTP. Các chuyên gia chúc mừng thành công về sản xuất lương thực của Việt Nam, đặc biệt với kỷ lục mới về doanh thu xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm 2023, đạt gần 4 tỷ USD. Những tiến bộ đáng kể của ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam trong 3 thập kỷ qua cũng được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận. Sự tăng trưởng của riêng Việt Nam đã góp phần đảm bảo thương mại thị trường cho phân bón, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất… 

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội và kinh tế quốc gia, đóng góp 12% GDP của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, bên cạnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động thị trường. Đồng thời, phát triển nông nghiệp thiếu khoa học đã ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái. Sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tác động tới sức khỏe nước, đất trồng trọt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ một số sáng kiến về chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ một số sáng kiến về chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc  sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành và các tác nhân trong Hệ thống LTTP nhằm tạo ra những thay đổi bền vững, sâu rộng của cả hệ thống. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thành lập nhóm Đối tác chuyển đổi hệ thống LTTP và các Tổ công tác kỹ thuật chuyên đề. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt để phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan chuyên môn và các địa phương triển khai Kế hoạch hành động, huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các đối tác”.

Theo đó, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) đề xuất cơ cấu tổ chức của nhóm đối tác, đồng chủ trì bởi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công thương. Các Tổ công tác kỹ thuật do cơ quan các Bộ chủ trì phối hợp dự kiến gồm nông nghiệp sinh thái; dinh dưỡng và đa dạng hóa sản phẩm địa phương; tổn thất và lãng phí LTTP; tiêu dùng có trách nhiệm; chính sách và thể chế.

Ngoài ra, Việt Nam đặt nhiều ưu tiên về chuyển đổi theo hướng xanh, phát triển hạ tầng nông nghiệp, liên kết đổi mới sáng tạo, cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia và thúc đẩy tiêu dùng thông minh.

Hội nghị có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác đa phương, đa ngành với hy vọng sẽ tạo ra sự đồng lòng và hành động từ cộng đồng quốc tế và trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Các quốc gia như Pháp, Ailen và tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. Các đại biểu đều hoan nghênh sáng kiến của Bộ NN-PTNT về thành lập nhóm Đối tác chuyển đổi hệ thống LTTP và mong muốn sớm có bộ mục tiêu hoàn chỉnh. Họ cho rằng, tăng cường quan hệ đối tác luôn là chìa khóa để chuyển đổi hệ thống LTTP. Sự hợp tác giữa liên ngành, liên khu vực sẽ giúp giải quyết những thách thức phức tạp liên quan đến hệ thống thực phẩm.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trường đại diện Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) Rémi Nono Womdim nhấn mạnh: “Chuyển đổi hệ thống LTTP đòi hỏi cách tiếp cận có khoa học, bài bản. Tôi có niềm tin vào sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam, rằng chúng ta sẽ đoàn kết, phát huy lợi thế sẵn có, hỗ trợ những gì còn thiếu, từ đó đạt mục tiêu phát triển bền vững. Mong rằng, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực”.

Ông trích lời của Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu: “Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta cần chuyển đổi hệ thống LTTP để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả mọi người, bền vững về mặt kinh tế, toàn diện và có tác động tích cực đến khí hậu và môi trường”.

Để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm, hợp tác quốc tế sẽ xoay quanh 3 trụ cột: Khoa học, đổi mới và dữ liệu; chính sách, chiến lược và chương trình liên quan đến khí hậu, lương thực, dinh dưỡng, nước, đất đai, đa dạng sinh học và năng lượng; huy động nguồn lực tài chính cần thiết. Bên cạnh ứng dụng công nghệ khoa học, các đối tác mong muốn xây dựng hệ thống LTTP dựa trên kiến thức bản địa và truyền thống sản xuất. 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.