| Hotline: 0983.970.780

Gả bán con cho người nước ngoài từng phổ biến ở các tỉnh miền Tây

Thứ Năm 21/09/2023 , 07:55 (GMT+7)

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng Chống Tệ nạn Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hiện tượng phụ nữ miền Tây lấy chồng nước ngoài...

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng Chống Tệ nạn Xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng Chống Tệ nạn Xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà nhận định thế nào về hoàn cảnh gia đình của nạn nhân Huỳnh Thị Gia H. ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình?

Đây là một trường hợp đặc biệt của tỉnh Bạc Liêu khi liên quan đến một vụ án cha mẹ gả bán con sang Trung Quốc mà nạn nhân và bên môi giới là hai gia đình thông gia. Khi đó cháu là trẻ em dưới 16 tuổi. Nhận thức của các bậc làm cha mẹ thấp, cập nhật thông tin xã hội còn hạn chế nên không hiểu việc gả con như thế là vi phạm pháp luật.

Bài liên quan

Họ chỉ nghĩ rằng mình chưa cho con hạnh phúc thì cho nó lấy chồng nước ngoài, có thu nhập cao, cuộc sống sẽ ổn định hơn. Nhưng thực ra sang bên đó cháu lấy phải người chồng bị tâm thần phân liệt, thường xuyên bị đánh đập, hành hạ nên phải cầu cứu để trở về.

Lực lượng chức năng không thể giải cứu cháu được, phải nhờ đến tổ chức phi chính phủ Rồng Xanh (tên đầy đủ là Trẻ em Rồng Xanh-PV) giải cứu rồi bàn giao cho bộ đội biên phòng. Bộ đội biên phòng tiếp nhận, làm việc với cháu, nắm lại toàn bộ quá trình sự việc, khi cập nhật thông tin và đủ cơ sở lập hồ sơ chuyển lên Viện Kiểm sát.

Tổ chức Rồng xanh sau khi giải cứu được cháu về, đồng thời cũng phối hợp với chúng tôi nhờ liên hệ với lãnh đạo xã tìm mua cho cháu một mảnh đất và phối hợp với bên Biên phòng xây cho cháu một ngôi nhà.

Chúng tôi cũng xác định rằng rồi đây cháu sẽ là trụ cột trong gia đình, gánh vác mọi việc khi cha mẹ đi chấp hành án nên đưa lên TP Bạc Liêu học nghề uốn tóc, làm móng. Rành nghề, cháu mở tiệm tại nhà nhưng nhu cầu của dân ở đây rất ít nên không phát triển được, hiện lại đi làm phục vụ một nhà hàng trên địa bàn. Cha mẹ cháu trước đây nợ nhiều, trước khi đi chấp hành án chưa điều đình được nên hàng tháng các chủ nợ lại đòi, lại chửi...

Tôi làm ở lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội trong đó có phòng, chống mua bán người, là người hỗ trợ cho cháu sau khi được giải cứu trở về. Đến thời điểm này dù cháu đã có công ăn, việc làm ổn định, được kết nối với rất nhiều chương trình, cuộc sống có phần nào ổn định hơn. Nhưng đâu đó trong tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng, xót xa trước một hoàn cảnh quá trớ trêu, bi đát như thế nên vẫn luôn đồng hành cùng.

Huỳnh Thị Gia H. bên đứa con lai mắc khuyết tật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Huỳnh Thị Gia H. bên đứa con lai mắc khuyết tật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tình hình phụ nữ lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới ở tỉnh Bạc Liêu thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh như thế nào thưa bà?

Ở Bạc Liêu và các tỉnh miền Tây hầu như thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức và tiếp cận thông tin xã hội còn hạn chế. Họ không am hiểu về pháp luật cũng như thế giới bên ngoài, cứ nghĩ đơn giản xã hội cũng giống như những người thân trong gia đình. Họ muốn cho con mình đổi đời. Nếu nó đổi đời được, sống giàu sang thì sẽ giúp cho mình cũng được đổi đời theo.

Hồi xưa phụ nữ mình lấy được chồng Đài Loan, Trung Quốc là một cách đổi đời. Gần 20 năm trước có chị B ở xã Vĩnh Trạch Đông - một vùng ven biển của TP. Bạc Liêu được môi giới lấy chồng Trung Quốc nhưng sang đó quá khổ mà về không được. Đã lỡ mang thai rồi, chị muốn cho hư thai đi. Nhà chồng ở trong rừng, một lần chị được tin tưởng cho đi chợ đã đạp xe thả từ dốc núi xuống cho ngã, hư thai mà vẫn không hư.

Những lần khác, tích góp được chút đỉnh tiền, chị đạp xe trốn nhưng bị người chồng phát hiện, bắt lại đổ xăng lên đầu mà đốt. May là ống quẹt (bật lửa) bị hư nên lần đó chị thoát chết. Chồng bắt chị giam lỏng, nhốt một thời gian rồi chị sinh con. Khi con cứng cáp, chị lại tiếp tục ôm con trốn về Việt Nam theo đường mòn, lối mở.

Hiện, con gái của chị đang học đại học, bà con vẫn gọi là con Trung Quốc. Sau này chị trở thành nhân chứng sống để tuyên truyền lại cho người dân rằng, nếu lỡ chúng ta bị lừa gạt bán sang đó, sống quá khổ thì chạy lại ôm chân cảnh sát la làng lên để được giải cứu, trả về. Bởi thế mà người dân ở Vĩnh Trạch Đông giờ không đi lấy chồng ngoại nữa hoặc giả có đi mà qua đó sống không được cũng biết cách trốn về.

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng Chống Tệ nạn Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu (trong cùng, bên trái), cùng ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (trong cùng, bên phải) hỏi thăm gia đình của nạn nhân H. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng Chống Tệ nạn Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu (trong cùng, bên trái), cùng ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (trong cùng, bên phải) hỏi thăm gia đình của nạn nhân H. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tình trạng môi giới phụ nữ và trẻ em lấy chồng nước ngoài phát triển rầm rộ từ khoảng 16-17 năm nay. Có những người mang thai khi trốn được về, bên kia điện thoại liên hệ xin rước trở lại họ cũng không đi bởi vì đã sống quá khổ.

Mỗi năm phòng của bà phải tiếp nhận bao nhiêu thông tin về nạn nhân lấy chồng nước ngoài bị ngược đãi?

Không thể có con số chính xác được vì phòng của tôi là đơn vị hỗ trợ nạn nhân, phối hợp với các đơn vị có liên quan như công an, biên phòng. Khoảng thời gian năm 2019-2020 mỗi năm có 6 trường hợp, còn năm nay có 2 trường hợp. Thực ra không phải là ít, mà vì số người trốn được, trở về Việt Nam rất ít. Mới đây có đường dây giới thiệu các chị em đi lấy chồng Trung Quốc với hơn 50 nạn nhân, chủ mưu là một phụ nữ ở xã Hưng Thành huyện Vĩnh Lợi, đã bị bắt, đang trong quá trình điều tra.

Bà ta thường lân la đến các xã, phường ở có khi dăm bữa nửa tháng để tiếp cận các gia đình có con gái, đặc biệt là nhắm vào hoàn cảnh khó khăn rằng có muốn lấy chồng Trung Quốc không? Có muốn đi nước ngoài làm việc nhẹ lương cao không? Bọn tội phạm này chúng luôn đưa ra những viễn cảnh màu hồng mà người dân thì nhẹ dạ, cả tin nên rất dễ rơi vào cạm bẫy. Nếu gái đẹp bà ta trả giá cao, có thể lên tới đôi ba trăm triệu, xấu một chút trả giá thấp, xấu nữa trả giá càng thấp. Bà ta đã lừa hơn 50 người nhưng đến thời điểm này chỉ 9 người trở về, thuộc tứ xứ của miền Tây chứ không riêng ở Bạc Liêu.

Tại Bạc Liêu, ngoài vụ của H., ở xã Vĩnh Thịnh còn 3 vụ nữa. Cháu Y. ở thị trấn Hòa Bình mới 14 tuổi đã bị gả bán sang Trung Quốc, mẹ bị án 9 năm tù. Cháu Đ. ở thị xã Giá Rai mới 15 tuổi, mẹ bị án 14 năm tù. Cháu N. ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi mới 13 tuổi là vụ gần nhất.

Do chưa khởi tố nên chưa biết giá bao nhiêu nhưng theo người mẹ 42 tuổi kể thì môi giới kêu giới thiệu giúp qua Trung Quốc đi làm rồi nhận đâu chừng 60-70 triệu. Khi cháu phải làm vợ cho người ta, thời điểm đó dịch covid nên cảnh sát kiểm tra rất chặt. Do không có hộ khẩu nên cảnh sát gom cháu về giam, xong trao trả cho Việt Nam.

Lúc được giải cứu về thì cháu N. đã 15 tuổi, mẹ bắt đi làm bưng bê ở quán cà phê, tháng 3 triệu để tiếp cho gia đình. Tôi mới bảo, chị hãy xem như bây giờ cháu vẫn ở Trung Quốc để cho nó đi học một cái nghề, chứ nếu mai mốt chị đi chấp hành án ở nhà nó bưng bê cà phê tháng 3 triệu đủ nuôi các em không? Nói vậy, chị ấy mới đồng ý cho cháu đi học nghề uốn tóc, làm móng.

Trong 4 trường hợp trên thì 3 do tổ chức Rồng Xanh giải cứu. Còn những người bị gả sang nước ngoài, trốn về mà không phải là trẻ em thì không sao (không truy tố-PV).

Ông Nguyễn Việt Hùng và bà Trương Kim Ênh trả lời phỏng vấn của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Việt Hùng và bà Trương Kim Ênh trả lời phỏng vấn của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi thấy có hai lý do chính để xảy ra thực trạng này là kinh tế khó khăn và nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế?

Đúng. Một cán bộ ở Viện Kiểm sát có bảo với tôi rằng: “Tui làm án ở trong đời từ xưa đến nay chưa bao giờ rớt nước mắt nhưng trường hợp này phải rớt nước mắt tại vì không thể làm sao khác hơn được, quá bi đát, không thể giúp được cái gì”. Rõ ràng tội rành rành, điều mấy, khoản mấy, luật nào, làm sao khác hơn được? Họ bảo mình không bán con nhưng có nhận tiền thì sao không gọi là bán?

Theo phong tục Việt Nam khi người con gái đi lấy chồng, cha mẹ thường thách cưới một khoản tiền. Vậy đó có phải là khoản tiền thách cưới hay không?

Người thân của những phụ nữ hay trẻ em lấy chồng ngoại không coi họ là một món hàng nhưng thực tế nó đúng như thế bởi có trao đổi với giá mấy chục triệu thì là một món hàng rồi. Chúng tôi có nhiều chương trình đi tuyên truyền, nói dân tộc Việt mình từ xưa tới giờ đi cưới vợ phải qua xem mắt, dạm hỏi, cho đồ rồi mới cưới về nhà. Còn bây giờ nhiều người không giữ hình ảnh, nét đẹp của phụ nữ Việt nữa bởi không biết cả mặt chồng khi lấy người nước ngoài.

Có những em đi lấy chồng mà gia đình nhận không được 10 triệu đồng. Đa phần phụ nữ, trẻ em bị mua bán do bị dụ rằng tôi có thằng cháu hay thằng con muốn cưới vợ, thấy nhỏ này dễ thương quá nên bà gả cho tôi đi. Họ đâu biết rằng đó là những người môi giới, dụ con, cháu mình sang Trung Quốc bán lại làm vợ có khi cho cả gia đình hoặc bị đưa vào động mại dâm.

Buôn bán phụ nữ là bi kịch của miền Tây nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Để thoát khỏi bi kịch này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không riêng một ngành nào, một đơn vị nào. Hai nữa là chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm, tuyên truyền vận động để làm sao nâng cao dân trí và nhận thức pháp luật; để người dân hiểu được tác hại việc đưa con đi làm hay lấy chồng ở nước ngoài là dễ rơi vào cạm bẫy. Từ nhận thức được, họ sẽ chia sẻ lại cho những người xung quanh chưa biết, chưa nghe, chưa thấy thì may ra mới dừng hoặc giảm được tệ nạn này.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.