| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu, cha mẹ bị xử tội ‘gả bán’ con: [Bài 2] Trở về sống không bằng chết

Thứ Tư 20/09/2023 , 08:41 (GMT+7)

Nạn nhân Huỳnh Thị Gia H. kể tiếp: 'Khi trốn về tới Việt Nam thì bên bộ đội biên phòng mới lấy lời khai rồi điều tra chứ em không có thưa kiện ai cả'.

Ngôi nhà tôn xuống cấp của ông nội H. trước đây cả gia đình cô cũng ở cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngôi nhà tôn xuống cấp của ông nội H. trước đây cả gia đình cô cũng ở cùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Án gia đình bị hại và gia đình mua bán người gần ngang nhau

“Em không chấp nhận chuyện xử án mà lại đưa cả gia đình gồm cha, mẹ, chị gái em vào tội mua bán em. Mua bán phải là phía bên thông gia cũ của chị gái em mới đúng. Người ta muốn tìm lại sự công bằng cho em nhưng thực chất lại đưa em vào tình thế không thể nào tồn tại được ở xã hội này. Chỉ cần bước chân ra đường thôi là ai cũng bảo em rằng: “Mày đi thưa cha mẹ, chị gái mày, đưa gia đình của mình vào tù”. Em đâu có giải thích được. Suốt 1 năm trời cha mẹ em đi tù, em phải chịu những lời như vậy”, cô nói trong sụt sùi.

Bài liên quan

Khi tòa xử án, H. còn đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho đi học nghề làm tóc ở TP Bạc Liêu. Cô giáo dạy nghề lúc trước đã thấy H. bị trầm cảm rồi, giờ thấy lên sân thượng sao lâu quá mà chưa xuống mới điện cho con trai lên kêu xuống, khóa cửa lại, cất chìa đi. Khi cô về nhà, cha mẹ và chị gái chưa đi chấp hành án. Suốt một tháng trời cô không ăn cơm chung với cha mẹ vì không dám đối mặt, cứ ở miết trong phòng.

“Một buổi tối, mẹ đem cơm vào vì cả ngày không thấy con ra ngoài. Thấy tay em có vết cắt, máu chảy mẹ mới la: “Thôi lỡ rồi. Giờ có cách nào đâu mà gỡ? Con mà chết thì ai lo cho con của con, rồi em con nữa. Cha mẹ đi tù rồi không có ai lo cho đâu”. Cha thì không trách em mà chỉ trách gia đình mình không có được học thức nhiều để hiểu pháp luật nên mới hành xử như vậy. Rồi cha trách đã tin tưởng quá nhiều vào những người hiểu pháp luật này nọ. Họ lúc đầu nói với gia đình em rằng cứ nói thiệt tình đi, không sao hết hà. Còn gia đình thông gia, những người mai mối em họ có khai thiệt tình đâu. Anh thử tưởng tượng mức án của gia đình bị hại và gia đình mua bán người lại bằng nhau thì đủ hiểu câu chuyện.

Lúc ở Trung Quốc, biết tiếng rồi, bên chồng em nói khi cưới về có cho 8 vạn tệ, tức khoảng 240 triệu nhưng gia đình em chỉ nhận được 97 triệu. Vậy số còn lại là gia đình thông gia, của nhà chị Ngô Thị Mỹ Chi cầm. Tại sao lại ghi cha mẹ em tội buôn bán người? Có phạt thì phạt tội thiếu trách nhiệm chăm sóc con mới phải chứ cha mẹ em, chị gái em làm sao lại tội mua bán người dưới 16 tuổi? Án tại hồ sơ, họ kêu gia đình em ký vô, đến tòa xử mẹ em bị 12 năm tù, cha em bị 8 năm tù, chị em bị 5 năm tù.  

Cha trước lúc đi tù có dặn: “Con ráng ở nhà lo cho con và em trai ăn học tới nơi tới chốn. Đừng để nó bước sa ngã vào con đường hư, không cha không mẹ rồi ở bên ngoài lại áp lực”. Quãng thời gian đó, em trai của em rất tội nghiệp. Đi học thì bạn bè chê cười. Đi tới đâu người ta cũng tỏ vẻ thương, nhưng là thương hại, kiểu như: “Trời ơi, tội nghiệp quá, cha mẹ đi tù hết trơn rồi, ráng nghe”. Cha mẹ em đi tù hơn nửa tháng thì nó đòi nghỉ học nhưng em không cho.

H. (đang đứng) hiện là nhân viên phục vụ ở một nhà hàng tại địa phương để lấy tiền nuôi cả gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.

H. (đang đứng) hiện là nhân viên phục vụ ở một nhà hàng tại địa phương để lấy tiền nuôi cả gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước khi lấy chồng ở nhà em rất vô tư, qua Trung Quốc lại trưởng thành. Khi trốn được về với vòng tay của cha mẹ thì em chỉ muốn vô tư mà sống, được cha mẹ bảo bọc, được trở lại thành đứa trẻ giống như xưa. Nhưng khi cha mẹ đi tù thì em bắt đầu tập tành làm trụ cột của gia đình. Có lúc em lớn tiếng với em trai mình, không cho nó nghỉ học. Em khóc với nó rất nhiều và cả đánh nó. Nó bỏ học, thầy ghi sổ, em về kiểm tra mới la. Nhưng nó không nghe mà lại nghe theo những người xung quanh: “Tại chế (chị) không đó. Tại chế mà cha mẹ em ở tù. Tại chế mà em không có cha mẹ”. Em không giải thích được. Giờ nó chỉ đi theo chị hai chứ không theo em.

Còn chị em bị ghép vào tội buôn bán người là bởi xài chung điện thoại với người chồng cũ. Điện thoại đó liên hệ với bên gia đình thông gia thì người ta bảo chị em kết nối với bên môi giới. Chị em có hưởng gì đâu? Lúc trước, khi em chuẩn bị đi Trung Quốc, bên gia đình thông gia có kêu mẹ em và chị em làm căn cước cho em đi nhưng làm không được vì thiếu tuổi. Bên đó, họ mới kêu, thôi lấy chứng minh thư của chị em rồi gỡ lấy hình của em dán vô, ép lại để phòng trên đường thôi chứ không sử dụng đến.

Em muốn nói lên nỗi oan của gia đình mình. Không phải là không có tội gì hết mà thực sự là cha mẹ em không hiểu pháp luật nên để cho em đi lấy chồng lúc còn là trẻ con. Thế mà án của cha mẹ và chị cộng lại là 25 năm. Trong khi gia đình thông gia, làm môi giới mua bán em lại chỉ 27 năm. Cha mẹ em học yếu, mới có lớp 5, chị thì học cao, tới lớp 9.

H. đang kể lại hành trình trốn chạy từ Trung Quốc trở về. Ảnh: Dương Đình Tường.

H. đang kể lại hành trình trốn chạy từ Trung Quốc trở về. Ảnh: Dương Đình Tường.

Em chỉ muốn vụ án được tòa cấp trên xem xét, xử lại. Thứ nhất dù gia đình em có sai về pháp luật đi nữa nhưng cũng là gia đình bị hại mà lại xử bằng án với gia đình hại em. Thứ hai, người đứng ra gả em tại Trung Quốc là mẹ chị Chi lại chỉ bị kết tội không tố cáo rồi xử án treo, trong khi đó chị gái em xử 5 năm tù. Thứ ba em là bị hại nhưng không có quyền bãi nại hay xin giảm mức án cho gia đình mình.

Nỗi lòng những người ở lại

Huỳnh Thị Cẩm T. - chị gái của H. (ngoài cùng, bên trái) khóc vì sợ khi mình đi chấp hành án, hai đứa con ở nhà sẽ không ai trông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Huỳnh Thị Cẩm T. - chị gái của H. (ngoài cùng, bên trái) khóc vì sợ khi mình đi chấp hành án, hai đứa con ở nhà sẽ không ai trông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cha mẹ H. cùng đi tù một ngày 2/6 năm 2022 nhưng khác chỗ. Cha ở trại Kênh Bảy của tỉnh Kiên Giang, còn mẹ ở trại Cái Tàu của tỉnh Cà Mau. “Giờ cha mẹ cũng vẫn còn khóc bởi vô đó cực lắm, phải làm đạt nếu không thì bị phạt. Cha trước đây bị dập xương sống do khuân vác, hiện vẫn còn đau, còn mẹ tay chân tê nhức và bị viêm xoang nặng nữa. Mỗi tháng cha mẹ được gọi điện về nhà một lần, nói thèm ăn cái gì như khô cá đù đù, cá rô phi, cá lóc hay cần tỏi để nấu nước xông mũi. Mỗi lần em đi thăm cha mẹ bằng xe honda (xe máy) tới nguyên một ngày vì phải qua hai tỉnh, tiền đổ xăng, ăn uống dọc đường rồi gửi cho cha mẹ tốn 5-6 triệu.

Em không muốn cha mẹ ở trong tù mà phải nhìn miệng người ta ăn nên cần gì là cố hết sức để hoàn thành. Thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu thì em lấy 5 triệu chia cho cha mẹ trước, chừa lại 1 triệu đổ xăng, 2 triệu tiền mua sữa cho con, vài trăm ngàn cho em trai đi học…    

Ở bên ngoài có người thấy em chăm chỉ, lo làm cũng thương, muốn mai mối cho con, cháu nhưng em từ chối. Nếu như em chấp nhận lập gia đình mới sẽ không còn ai lo cho cha mẹ, con của em và em trai của em hết. Chị gái em và anh rể hiện còn không lo được cho bản thân vì đang thất nghiệp. Trước khi đi tù, cha mẹ ghi lại hết nợ vào miếng giấy đưa cho em để gửi ra ngoài UBND xã. Chủ nợ tháng nào cũng lại đây đòi rồi chửi”.

Bên cái bàn uống trà kê trước hiên nhà, chẳng mấy chốc mà chật kín người thân của H. Những bộ mặt chất phác nhòe đi trong nước mắt. Những đôi vai rung lên vì nức nở nghẹn ngào.

Ông nội H. (ngoài cùng, bên trái) đang kêu oan cho các con, cháu của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông nội H. (ngoài cùng, bên trái) đang kêu oan cho các con, cháu của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Huỳnh Văn N. - ông nội của H. năm nay đã 73 tuổi than thở: “Giờ mắt tôi mờ nhìn chú còn không rõ hung nữa. Cha mẹ nào buôn bán con đâu mà buộc chúng tội buôn bán người, quá trời khổ! Tôi mong muốn nhờ chú giải oan cho để vợ chồng con tôi mau về”. Còn Huỳnh Thị Cẩm T. - chị gái của H. vừa sinh con được 1 tháng với người chồng mới nhưng đã hỏi việc để đi làm mà chưa được.

Do đang nuôi con nhỏ nên cô chưa phải đi chấp hành án. Tuy nhiên, nghĩ đến đoạn mấy năm sau phải rời hai đứa con nhỏ để vào tù là cô chợt òa khóc: “Em mong muốn cha mẹ cải tạo mau về với gia đình, muốn sớm có tiền trả nợ cho người ta. Em sợ khi ở tù một thời gian cha mẹ không biết có đủ sức không để về không. Em sợ khi mình phải đi chấp hành án thì hai đứa con ở ngoài không ai chăm sóc.

Phải chi khi em đi chấp hành án, có cha mẹ ở ngoài cũng đỡ. Đằng này em đi rồi, ở nhà còn mỗi ông già với con nít. Khi làm mai, chị chồng cũ của em hứa nếu H. ở bên đó có khổ cực, khó khăn này kia sẽ dắt về. Nghe thông gia nói thế thì gia đình em tin tưởng, đồng ý gả. H. tình nguyện đi lấy chồng chứ gia đình em không có đánh đập, ép buộc gì…”. (Hết). 

Anh Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh: "Hiện H. là lao động chính trong gia đình, phải nuôi một đứa con, một đứa em, một đứa cháu và một ông nội, hàng tháng lại phải đi thăm cha mẹ ở tù. Đồng lương chia năm sẻ bảy nên cuộc sống rất khó khăn. Rất mong cho H. có được nguồn vốn hỗ trợ nào đó để có thể tạo thêm thu nhập".

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.