| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa:

Gần 6.000 hộ dân 'mắc kẹt' trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông

Thứ Năm 12/12/2019 , 13:55 (GMT+7)

Thanh Hóa có gần 6.000 hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông. Thực trạng này gây khó khăn cho việc vận hành tiêu thoát lũ.

Chỉ tính riêng tại TP. Thanh Hóa cũng đã có trên 1.500 hộ dân nhiều đời nay làm nhà, sinh sống trong khu vực mái đê, hành lang đê, khu vực bãi sông và hành lang bảo vệ công trình đê. Đây là vấn đề do lịch sử để lại, các khu dân cư này hình thành từ trước khi Luật Đê điều ra đời.

Tuyến đê cấp I sông Chu chia cắt xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa thành 2 nửa. Trong đó, 2/3 số hộ dân sống bên ngoài đê từ hàng chục năm nay. Sau khi Luật Đê điều ra đời, theo quy định, những hộ dân nằm ngoài bãi sông (phía ngoài đê) và khu vực chân đê buộc phải di dời. Tuy nhiên, đó dường như là điều bất khả kháng khi cần phải có một nguồn kinh phí khổng lồ và một quỹ đất rất lớn.

Khu dân cư phía ngoài đê sông Chu thuộc xã Thiệu Dương đã hình thành từ hàng chục năm nay. Ảnh: Việt Khánh.

Theo quan sát của PV, ngay sát tuyến đê này hiện có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng có niên đại hàng chục năm. Thậm chí, có những ngôi nhà nằm trên mái đê, được xây dựng kiên cố, có tường rào bao quanh. Thành ra mặt đê chỉ còn là tuyến đường đi lại hệt những khu phố sầm uất. Phía ngoài đê, cư dân tập trung đông đúc, nhiều ngôi nhà cao tầng màu sơn còn mới mọc lên, có cả những ngôi nhà mới xây dựng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những quy định trong Luật Đê điều 2007.

Một cán bộ xã Thiệu Dương cho hay, toàn xã hiện có hơn 2.000 hộ dân thì có khoảng 2/3 số hộ hiện đang có nhà cửa kiên cố khu vực ngoài đê sông Chu. Khi Luật Đê điều ra đời, tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch xây dựng khu tái định cư rộng 18 ha để di dời các hộ dân này nhưng quỹ đất và nguồn kinh phí quá lớn nên chưa thực hiện được. Vì thế, những hộ dân ở khu vực bãi sông, vẫn xây dựng nhà cửa, cơi nới các công trình để sinh sống. Năm nào, đến mùa mưa lũ, cả người dân và chính quyền địa phương đều hết sức lo lắng.

Tại TP. Thanh Hóa, việc nhà cửa nằm trong khu vực hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông không hiếm. Khu phố Tiền Phong nằm bên đê sông Mã thuộc phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Phố được hình thành từ năm 1959, đa phần là người dân làng vạn chài thuộc các hợp tác xã vận tải đường sông chuyên vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ về đây làm nhà, sinh sống ổn định từ những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Những căn nhà vân còn mới ở khu vực quanh chân đê. Ảnh: Việt Khánh.

Năm 2007, khi Luật Đê điều ra đời, hàng trăm hộ dân phố Tiền Phong nằm trong diện buộc phải di dời TĐC nâng cấp đê sông Mã. Trong lúc dự án di dân TĐC chưa được triển khai thì hơn 10 năm nay, cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo thống kê, toàn khu phố có 410 hộ dân nhưng số hộ có nhà ở kiên cố chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có những mái nhà có đến 5-7 gia đình cùng sinh sống. Là nhà ở nhưng những ngôi nhà ở đây không khá hơn những khu trọ tồi tàn của công nhân là mấy. Người dân ở đây cho hay, tuy chỗ ở rất chật chội, ẩm thấp nhưng chính quyền địa phương cấm việc xây mới, cơi nới nên không thể mở rộng nơi ăn chốn ở.

Nguyện vọng của người dân phố Tiền Phong là được di dời TĐC để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay mong muốn của người dân ở đây vẫn chưa được đáp ứng.

Theo thống kê của Chi cục Đê điều Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, toàn tỉnh có 5.934 hộ với trên 14,8 nghìn công trình, nhà ở các loại nằm trong hành lang, mái đê và bãi sông với tổng diện tích gần 450 nghìn m2. Trong đó, nhà tầng trên 100 cái; nhà mái bằng trên 500 cái; nhà cấp bốn trên 5,3 nghìn cái; công trình phụ…

Tồn tại những ngôi nhà sát chân đê, có tường rào tại thôn 8 xã Thiệu Dương. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Khương Anh Tấn, Chi cục Phó Chi cục Đê điều Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, các khu dân cư khu vực bãi sông sẽ gây khó khăn cho việc tiêu thoát lũ. Theo Luật Đê điều năm 2007, sau 5 năm Luật ra đời, các khu khu dân cư này phải di dời. Tuy nhiên, kinh phí và quỹ đất không đáp ứng khiến Thah Hóa lực bất tòng tâm.

“Theo quy hoạch, có hàng nghìn hộ dân hiện nằm trong 41 khu dân cư khu vực bãi sông tại các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa… Trong điều kiện chưa thể di dời, trước mắt, các khu dân cư này vẫn tiếp tục được tồn tại nhưng không được phát triển thêm” – ông Tấn cho biết thêm.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.