| Hotline: 0983.970.780

Gắn nghiên cứu của các cơ sở công lập với đặt hàng của doanh nghiệp

Thứ Sáu 31/05/2024 , 13:38 (GMT+7)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed kỳ vọng nhà nước điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách về chuyển giao sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực giống cây trồng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thương mại giống lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thương mại giống lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại tọa đàm “Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa” sáng 31/5 do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ kết quả hoạt động của doanh nghiệp những năm qua và một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thương mại giống lúa.

Thành lập năm 1972, ThaiBinh Seed tự hào là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp. Tập đoàn có 12 chi nhánh trên toàn quốc, cùng các nhà máy chế biến, viện nghiên cứu và phòng thử nghiệm quốc gia về giống cây trồng.

“Ngày nay, doanh nghiệp xác định chiến lược nghiên cứu nhằm phát triển giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên và chống biến đổi khí hậu,” ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh. 

Diện tích liên kết sản xuất trên cả nước của ThaiBinh Seed hiện đạt khoảng 8.000ha/năm; sản lượng thu mua cho nông dân đạt 40.000 tấn. Bên cạnh đó, các giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm 70 - 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh Thái Bình; chiếm 15 - 20% cơ cấu giống lúa cả nước.

Về công tác nghiên cứu khoa học và chọn tạo giống, thập kỷ qua, ThaiBinh Seed đã chủ trì và phối hợp thực hiện 45 đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh, sử dụng ngân sách gần 200 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 20 đề tài cấp doanh nghiệp với ngân sách khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, đến nay, ThaiBinh Seed đã được công nhận chính thức 20 giống cây trồng mới phục vụ sản xuất.

Các giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm trên 70 - 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh Thái Bình; chiếm 15 - 20% cơ cấu giống lúa cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Các giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm trên 70 - 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh Thái Bình; chiếm 15 - 20% cơ cấu giống lúa cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại hội thảo, Chủ tịch ThaiBinh Seed cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách dành cho công tác nghiên cứu giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng. Cụ thể, ngân sách dành cho hoạt động khoa học công nghệ còn hạn chế. Theo số liệu tháng 7/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học giảm dần qua các năm, từ 1,1% (năm 2017) giảm còn 0,82% (năm 2023).

Thêm nữa, việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp, cơ chế tài chính chưa khuyến khích nghiên cứu và phát triển. Chứng nhận các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc doanh nghiệp khoa học công nghệ còn đòi hỏi nhiều thủ tục.

Đối với công tác thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, ông Trần Mạnh Báo cho rằng, việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực giống cây trồng. 

Để minh bạch cơ chế hợp tác công - tư, Chủ tịch ThaiBinh Seed kiến nghị nhà nước điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.

Một giải pháp tiềm năng là gắn nghiên cứu của các cơ sở công lập với đặt hàng của doanh nghiệp, định hướng sản phẩm đầu ra và lấy tiêu chí đánh giá kết quả đề tài khoa học là mức độ ứng dụng của kết quả ra sản xuất, xã hội. 

Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do có mức độ rủi ro cao hơn. Bên cạnh đo, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các viện tư nhân thông qua các đề án đào tạo ở nước ngoài, đào tạo chuyên gia có sự hỗ trợ của ngân sách.

Xem thêm
Hiện đại hóa trong chăn nuôi: [Bài 2] Công nghệ giúp trang trại bò sữa bội thu

BÌNH DƯƠNG Những thành công của Công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Đạt thành tựu lớn cùng giải thưởng danh giá, sáng kiến ForwardFarming sẽ được nhân rộng

Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam vừa được vinh danh với Giải thưởng Hợp tác công – tư trong lĩnh vực nông nghiệp.