Mặc dù còn hơn hai tuần nữa mới đến ngày “tiễn ông Táo về chầu trời” nhưng trên thị trường đã nhộn lên không khí mua bán “trang phục” ông Công, ông Táo.
Theo khảo sát của phóng viên, các sản phẩm hàng mã đồng loạt tăng giá bán, tăng từ 30-50% so với thời điểm trước. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng hối hả sắm các vật phẩm sớm, tránh cảnh bon chen mua hàng lại còn bị “chém giá.”
Dù mới mồng 6 tháng Chạp, nhưng năm nay chị Nguyễn Hà (167 Trương Định, Hai Bà Trưng) chia sẻ, theo kinh nghiệm mua sắm hằng năm, “càng gần sát ngày giá càng đắt, mà hàng lại không đẹp bằng, đi mua lại chen chúc nhau” nên chị quyết định lên Hàng Mã đặt mua sớm.
Bên cạnh đó với quan niệm, đồ thờ cúng không nên mặc cả sợ mất thiêng, nhiều người cũng vung tay sắm cả những món lễ tiền triệu chuẩn bị cho ngày lễ dâng ông “thần bếp.”
Chị Thắm (93 Hoàng Văn Thái) khách mua tại phố Hàng Mã xót xa, năm nào cũng sắm đầy đủ các lễ chỉ mất tầm 500.000-700.000 đồng, vậy mà năm nay vì mua gì cũng bảo đắt lên vì tăng giá nhập, chị đã phải tiêu tốn gần 2 triệu tiền lễ, tuy nhiên vì “sợ thần linh quở phạt nên không dám kì kèo đồ thờ cúng,” chị nói.
Tại phố Hàng Mã, giá các đồ lễ và vàng mã tăng mạnh. Cụ thể, một bộ cúng ông táo ngày 23 tháng chạp tăng từ 120.000-180.000 đồng/bộ, nếu lấy luôn bộ cúng ông táo kèm theo bộ cúng cho đêm 30 nữa thì có giá 200.000 đồng/bộ; cá chép đơn loại to có giá 180.000 đồng/con, cá chép loại nhỏ được bán với giá 150.000 đồng/cặp.
Hàng hóa mẫu mã vô cùng phong phú, đa dạng
Chị Hương, chủ hàng 67 Hàng Mã cho biết: "Năm nay giá cả thị trường đều đắt chung vì giá các nguyên liệu nhập làm cũng tăng lên, hơn nữa chi phí vận chuyện cũng “ngốn” khoản lớn vì muốn nhập được hàng đẹp nhà chị phải lấy từ Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) và Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội), còn hàng Trung Quốc tuy mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp nhưng năm nay khách hàng có phần dè dặt hơn."
Cũng theo chị Hương, với nguồn nhập đa dạng thị trường phong phú về mẫu mã cũng như giá cả, song ‘tiền nào của nấy’ tùy thuộc vào độ tinh xảo và kích thước của mẫu hàng mà có giá chênh nhau chút ít.
“Cũng là bộ ông Công ông Táo, song với bộ có viền đai vắt chỉ nhà chị sẽ bán với giá 180.000 đồng/bộ, còn với những bộ khâu đính bình thường sẽ có giá 'mềm' hơn khoảng 160.000/bộ,” chị nói.
Còn theo chị Nhung, quản lý hàng sản xuất hương trầm Tân Mỹ Thành (26 phố Đồng Xuân) năm nay người tiêu dùng có xu hướng sắm lễ sớm hơn, thời điểm hiện tại hàng nhà chị đã bán gấp đôi số hàng so với mọi năm.
Khách hàng mua sắm tấp nập trên phố Hàng Mã
Nắm bắt tâm lý của khách mua tăng trong những ngày gần đây, cửa hàng nhà chị Nhung đã huy động thêm người phụ giúp và tung hàng bán sớm. Ngoài bộ ông Công ông Táo cúng vào ngày 23, nhà chị linh động áp dụng “chiêu” bán kèm bộ áo quan cúng đêm 30. Vô hình chung khách đến mua bộ cúng ông Công, ông Táo, thì lại “được” mua để dành thêm cả bộ cúng đêm Giao thừa.
Trong khi đó, với quan niệm chuyện đốt đồ mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo nói riêng, các ngày lễ, Tết nói chung dường như đã trở thành một thói quen tâm linh của người dân, mặc dù năm nào cũng chuẩn bị một ít đồ lễ song chị Hà lại cho rằng, "chỉ cần thành tâm là được chứ không nên lãng phí, tốn kém và lạm dụng quá mức theo hình thức mê tín."
Tuy không có các chế tài xử phạt kiểm soát việc mua đồ mã, song Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 75 (có hiệu lực từ 1/9/2010 đến nay) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000-1.000.000 đồng. Do vậy, để tránh những hoạt động lãng phí và cùng gìn giữ nếp văn hóa lành mạnh trong đời sống tín ngưỡng, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc trước khi "vung tay" sắm những đồ lễ.
(Theo Vietnam+)