
Dữ liệu WaPOR (Water Productivity through Open access of Remotely sensed derived data) là Cổng thông tin dữ liệu viễn thám nguồn mở về năng suất nước do FAO phát triển. Ảnh: FAO.
Chỉ 26% diện tích nông nghiệp sử dụng hệ thống thủy lợi
Chiều 26/3, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức buổi họp khởi động Dự án “Đánh giá tác động của hạn hán vùng Tây Nguyên, Việt Nam”. Dự án được triển khai thử nghiệm trong năm 2025 tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với phạm vi khoảng 1.500 km2.
Một trong những kết quả nổi bật của dự án là xây dựng bộ dữ liệu WaPOR (Cổng thông tin dữ liệu viễn thám nguồn mở về năng suất nước) cho khu vực thử nghiệm nhằm đánh giá, giám sát tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp dựa trên công nghệ viễn thám.
Được phát triển bởi FAO, WaPOR là nền tảng dữ liệu không gian mở cho phép theo dõi liên tục các chỉ số như bốc thoát hơi thực tế (ET), sinh khối, độ ẩm đất, mức độ thiếu nước… với độ phân giải từ 20m đến 300m.
Ở Việt Nam, hạn hán và thiếu nước là hiện tượng thiên tai xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Riêng ở Tây Nguyên, tình trạng hạn hán và thiếu nước diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Ở Tây Nguyên, trong vụ đông - xuân ít mưa, thường diễn ra tình trạng khô hạn. Ảnh: Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.
Dù đây là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước, chỉ có khoảng 26% diện tích nông nghiệp được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi. 74% diện tích còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên.
Trong vòng 25 năm qua, khu vực này đã trải qua 17 đợt hạn hán lớn, với diện tích ảnh hưởng rộng và giá trị thiệt hại có xu hướng gia tăng. Cây lúa, cà phê và hồ tiêu là những đối tượng cây trồng chịu ảnh hưởng chính bởi thiếu nước tưới.
Giải pháp phù hợp cho Tây Nguyên
GS.TS Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, nhận định, dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp cán bộ quản lý Trung ương và địa phương xây dựng phương pháp giám sát, dự báo hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động và minh bạch, đồng thời tạo tiền đề để nhân rộng mô hình ứng dụng trên toàn quốc.
“Chúng tôi coi đây là bước đầu tiên quan trọng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thể nhân rộng dự án trên cả nước”, ông Phong khẳng định.
Tây Nguyên có lợi thế đa dạng tiểu khí hậu và có thể trồng nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Nhưng tính đa dạng này cũng đặt ra thách thức về xây dựng và quản lý thủy lợi, bởi điều kiện tự nhiên của vùng không thuận lợi cho việc phát triển các hệ thống thủy lợi quy mô lớn nhằm phục vụ tưới chủ động.

Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quỳnh Chi.
Không chỉ vậy, nguồn nước ngầm hiện nay đang bị suy thoái dẫn tới gia tăng chi phí sản xuất và tình trạng khan hiếm nước tưới cho cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác vào một số thời điểm quan trọng trong vụ sản xuất.
Do đó, việc có thông tin dự báo, cảnh báo tốt, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng nước là yêu cầu quan trọng trong đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
FAO đồng hành cùng Việt Nam quản lý tài nguyên nước bền vững
Phát biểu tại hội thảo, TS Remi Nono Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, bày tỏ đồng tình: “Hôm nay, chúng ta đối diện với một thực tế cấp bách. Thiếu nước không còn là viễn cảnh xa vời mà đã trở thành hiện thực, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, hệ sinh thái và nền kinh tế”.
Ông Remi nhận xét, Tây Nguyên là khu vực sản xuất cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, nơi hàng triệu nông dân phụ thuộc vào nguồn nước để duy trì sinh kế. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào nước mưa, khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước hạn hán kéo dài, làm suy giảm khả năng phục hồi của cộng đồng.
Các nghiên cứu của FAO đã cho thấy, nước là nền tảng của sự sống, động lực cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Trong tất cả các lĩnh vực, nông nghiệp chiếm tỷ lệ sử dụng nước lớn nhất trên toàn cầu, nên gánh chịu đến 80% tổn thất do mất an ninh nguồn nước.
Để giải quyết những thách thức toàn cầu, cần có các giải pháp sáng tạo, sử dụng dữ liệu để phân tích nguy cơ, đưa ra những cảnh báo phù hợp.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Remi Nono Womdim kỳ vọng công cụ WaPOR sẽ hỗ trợ nhà quản lý phân tích nguy cơ hạn hán, đưa ra những cảnh báo phù hợp. Ảnh: Quỳnh Chi.
“WaPOR cung cấp thông tin không gian ở các cấp độ phân giải khác nhau, cho phép hiểu sâu hơn về năng suất sử dụng nước, mức độ nghiêm trọng của hạn hán và tính bền vững của các hoạt động nông nghiệp. Nền tảng này phục vụ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý tài nguyên nước và nông dân, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt nhằm tăng cường an ninh nước và khả năng phục hồi của nông nghiệp”, ông Remi thông tin thêm về bộ dữ liệu WaPOR.
Dự án được triển khai tại Tây Nguyên không chỉ là bước thử nghiệm kỹ thuật, mà còn mở ra tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng dài hạn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý tài nguyên nước tích hợp.
Chương trình Khan hiếm nước (WSP) của FAO là sáng kiến quan trọng nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với tình trạng hạn hán và khan hiếm nước. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai chương trình từ năm 2019. Hiện tại, WaPOR có các ứng dụng hoạt động tại 13 quốc gia trên toàn thế giới.