Nguồn gốc của hạt nhựa PET có thể còn sót lại trong bao bì, hoặc cũng có thể lẫn vào sản phẩm lúa, gạo trong quá trình phơi sấy, xay xát…
Như NNVN đã phản ánh, có thông tin xuất hiện gạo giả, có lẫn hạt nhựa xuất hiện ở làng chài Phước Thiện làm người dân tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hoang mang, nhốn nháo.
Bà Đoan - người phát hiện và phản ánh “gạo nhựa” trong số gạo mua còn lại chưa sử dụng của gia đình
Theo lời của bà Trương Thị Bé Đoan (50 tuổi) ở thôn Phước Thiện thì, hơn 10 năm qua nay bà vẫn mua gạo của bà Đinh Thị Hồng Thu (52 tuổi) ở xã Bình Phước, trong huyện Bình Sơn chở đến bán nhưng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, trong lúc vo gạo bà Đoan thấy có mấy hạt lạ hơn những hạt gạo khác nổi lên mặt nước. Nghi ngờ, bà Đoan đưa cho một người cháu mang ra đốt thử thì thấy chảy nhựa. Tiếp tục lục tìm trong thùng gạo còn lại thì bà thấy thêm nhiều hạt lạ nữa giống hạt nhựa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở làng chài Phước Thiện có khoảng 30 người mua gạo của bà Thu bán dạo. Thế nhưng, riêng chỉ bà Đoan phát hiện ra trong gạo có lẫn hạt nhựa và báo cho cơ quan chức năng. Số hạt nhựa lẫn trong gạo của bà Đoan là 9 hạt, bà đã giao cho công an 3 hạt, đốt thử 2 hạt và còn lại 4 hạt.
UBND huyện Bình Sơn đã đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi kiểm tra các đại lý bán gạo trên địa bàn huyện. Chi cục đã tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra đột xuất các cơ sở bán gạo trên địa bàn huyện Bình Sơn và xác minh, truy tìm nguồn gốc gạo có lẫn hạt lạ.
Kết quả thanh tra cũng như kết quả xác minh, truy tìm nguồn gốc gạo có lẫn hạt lạ, Đoàn làm việc không tìm thấy những mẫu vật lạ lẫn trong gạo hoặc những bất thường khác như UBND huyện Bình Sơn và người dân đã phản ánh.
Tiếp theo, Chi cục tiến hành khảo sát đối chiếu những sản phẩm hạt nhựa hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, như: sản phẩm hạt nhựa của Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đang sản xuất; sản phẩm hạt nhựa của Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích (nguyên vật liệu dùng để thổi chai PET đựng nước khoáng) với những hạt lạ mà Chi cục đang lưu giữ.
Kết quả đối chiếu cũng như đánh giá của cán bộ Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích thì sản phẩm hạt lạ này không giống với các sản phẩm hạt nhựa mà Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đang sản xuất, cũng như không giống các sản phẩm hạt nhựa Nhà máy nước đã từng sử dụng làm vật liệu thổi chai PET đựng nước khoáng.
Những hạt lạ được cho là lẫn trong gạo của gia đình bà Đoan là hạt nhựa PET
Sau đó, Chi cục đã gửi 5 hạt lạ đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh để phân tích nhận danh mẫu vật. Kết quả cho thấy mẫu vật lẫn trong gạo là nhựa PET (Polyethylene terephtalate) là nhựa nhiệt dẻo thuộc họ Polyeste được hình thành từ các acid trung gian terephalic và ethylene glycol.
Được biết, PET được dùng trong tổng hợp xơ sợi, vật đựng đồ uống, thức ăn và các loại chất lỏng. Ngoài ra, có thể dùng làm vỏ cứng bọc vật dụng nhằm tạo thành một màng chống thấm khí và ẩm rất tốt.
Qua kết quả thanh tra xác minh, Chi cục nhận định nguồn gốc của hạt nhựa PET là có thể còn sót lại trong bao bì (bao bì chưa đựng hạt nhựa PET được người dân tận dụng để chứa đựng lúa gạo), hoặc cũng có thể lẫn vào sản phẩm lúa, gạo trong quá trình phơi sấy, xay xát…
Hạt nhựa PET được xác định là mối nguy vật lý đối với con người. Khi sử dụng gạo có lẫn hạt nhựa PET, có thể gây tổn thương đường tiêu hóa. Vậy trước khi sử dụng cần loại bỏ các hạt nhựa PET.
Tuy nhiên, đây là hiện tượng cá biệt không phổ biến, Chi cục khuyến cáo đến chính quyền các cấp cần thông báo cụ thể sự việc hạt nhựa PET lẫn vào trong gạo một cách vô ý, chứ không hề có chuyện có gạo giả như tin đồn, nhằm tránh gây hoang mang trong nhân dân.