| Hotline: 0983.970.780

Kwok Hakman Oliver người Úc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Thứ Sáu 28/03/2025 , 20:44 (GMT+7)

Bị cáo người nước ngoài Kwok Hakman Oliver (71 tuổi, quốc tịch Úc) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do chưa nắm rõ luật pháp Việt Nam.

Phạm tội do hạn chế nhận thức pháp luật Việt Nam

Trong phiên thẩm vấn tại tòa sáng 28/2, bị cáo người nước ngoài duy nhất Kwok Hakman Oliver trình bày, sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo đã tiếp tục vận động gia đình nộp thêm 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty An Đông, nhiệm vụ chính mà bị cáo được giao là điều hành hoạt động hàng ngày của khách sạn Windsor và Trung tâm thương mại An Đông Plaza, bị cáo không được giao nhiệm vụ phụ trách tài chính của Công ty An Đông.

Bị cáo Kwok Hakman Oliver cũng nói rằng, bị cáo là người Úc, có những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, môi trường kinh doanh và pháp luật giữa Việt Nam và Úc, nên bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức về pháp luật hình sự Việt Nam, cũng như các quy định liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Kwok Hakman Oliver đã cùng với Công ty An Đông tham gia nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19, cùng gia đình đóng góp xây dựng công trình phúc lợi, xây nhà tình thương tại các địa bàn khó khăn. “Bị cáo đã hơn 70 tuổi, bị tạm giam gần 2 năm 6 tháng, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được về với gia đình”, Kwok Hakman Oliver nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà phúc thẩm. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà phúc thẩm. Ảnh: HT.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, bị cáo Kwok Hakman Oliver là em rể của bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông, em dâu Trương Mỹ Lan). Ông Kwok Hakman Oliver có mối quan hệ thân thiết với bà Trương Mỹ Lan.

Năm 2015, bà Lan sắp xếp cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty An Đông; đến năm 2019 cho Kwok Hakman Oliver giữ vị trí Ủy viên HĐQT Công ty Sài Gòn Peninsula.

Năm 2018, trong một cuộc họp tại phòng làm việc của bị cáo Ngô Thanh Nhã ở lầu 6 Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nhã thông báo chủ trương chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu. Bị cáo Kwok Hakman Oliver đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị quận 7, TP.HCM; ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, hợp đồng vay vốn và chuyển tiền để tạo lập trái phiếu khống.

Hành vi của Kwok Hakman Oliver bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản với số tiền 24.969 tỷ đồng. Từ đó, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Kwok Hakman Oliver mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cựu Phó Tổng giám đốc SCB là người chủ trương phát hành trái phiếu?

Bà Trương Mỹ Lan khai tại tòa rằng cựu phó tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng (đã chết) là người đưa ra chủ trương phát hành các gói trái phiếu hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo bà Lan, Nguyễn Phương Hồng là nhân viên xuất sắc, muốn “bảo vệ SCB đến cùng” nên đã tự làm mọi thứ từ trước để xoay sở tiền cho ngân hàng, chứ bà không bàn bạc. Việc phát hành trái phiếu Setra sau này để có tiền trả lãi cho các trái chủ mua những gói trái phiếu trước đó bà cũng không biết. Những vấn đề liên quan đến tài chính của SCB đều do Hồng nắm.

“Nếu muốn chiếm dụng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng, với tầm cỡ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lúc bấy giờ, bị cáo có thể phát hành nhiều trái phiếu hơn thế; hoặc bị cáo phát hành ở công ty khác chứ không nhất thiết phải thông qua SCB”, bà Lan nói. Cũng theo lời trình bày của bà Lan, thời điểm đó SCB cần rất nhiều tiền, vì muốn giúp SCB nên bà đã cho ngân hàng mượn công ty để phát hành và “không biết việc làm của mình là trái pháp luật”.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xác định, năm 2018, SCB đang ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra. Việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.

Bị váo Trương Mỹ Lan và cháu ruột, bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2, ngày 28/3. Ảnh: HT.

Bị váo Trương Mỹ Lan và cháu ruột, bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2, ngày 28/3. Ảnh: HT.

Vì thế bà Lan đã mời Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (cựu Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TVSI), Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát) đến ăn trưa tại trụ sở Vạn Thịnh Phát. Tại đây, trên cơ sở đề xuất của Phương Hồng, bà Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để tư vấn, phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho SCB.

Sau đó, các nhân sự chủ chốt tại SCB và Công ty chứng khoán TVSI đã họp bàn, chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Tổng khối lượng là hơn 308 triệu trái phiếu, có giá trị hơn 30.000 tỉ đồng.

Sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các bị cáo đã chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB. Việc này là để che giấu, cắt đứt dòng tiền và sử dụng toàn bộ số tiền bán trái phiếu vào các mục đích như trả nợ vay ngân hàng, trả gốc, lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài; từ đó dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

Trả lời câu hỏi của luật sư về nội dung buổi gặp mặt ăn trưa này giữa các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng và Vạn Thịnh Phát tại trụ sở của tập đoàn, bà Lan cho biết, bữa ăn này diễn ra bình thường, không có việc bàn bạc, trao đổi về phát hành các gói trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu đã diễn ra trước đó và bà không phải là người đưa ra chủ trương, mà là Nguyễn Phương Hồng (cựu phó tổng giám đốc SCB, đã chết) đưa ra chủ trương phát hành các gói trái phiếu chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của trái chủ.

Tại phiên toà phúc thẩm giai đoạn 2, Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Úc) là bị cáo người nước ngoài duy nhất kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: HT.

Tại phiên toà phúc thẩm giai đoạn 2, Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Úc) là bị cáo người nước ngoài duy nhất kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: HT.

Cũng trong phiên tòa sáng 28/3, bà Trương Mỹ Lan nói rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên bà phải chịu án phí sơ thẩm 30 tỷ đồng. Nay bà Lan nói mình đã trên 60 tuổi (người lớn tuổi), theo Nghị quyết 326 thì sẽ được miễn án phí nên xin tòa miễn số tiền này. “Bị cáo là người cao tuổi nên xin tòa miễn án phí cho bị cáo, còn trong trường hợp tòa không cho miễn thì bị cáo xin chấp hành”, bà Lan trình bày.

Trước đó, trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan không được miễn hơn 674 tỷ đồng án phí vì HĐXX phúc thẩm xác định bà Lan không đủ điều kiện để được miễn.

Trưa 28/3, sau nhiều ngày xét xử phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM thông báo, phần xét hỏi tại phiên tòa đã kết thúc, HĐXX cho phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 3/4 để đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao chuẩn bị các nội dung luận tội.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Thái Bình: Bắt giữ đối tượng tông xe vào Cảnh sát giao thông

Công anh tỉnh Thái Bình đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 2001) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Điều tra bổ sung vụ nữ CEO Công ty Nhật Nam chiếm đoạt 4.816 tỷ đồng

Vũ Thị Thúy, nữ CEO Công ty Nhật Nam, bị cáo buộc lừa đảo 25.925 người, thu hơn 9.113 tỷ đồng, chi 4.297 tỷ để trả gốc và lãi, chiếm đoạt 4.816 tỷ đồng.