| Hotline: 0983.970.780

Gấp rút hoàn thành các cống xung yếu trước mùa mưa bão

Chủ Nhật 07/05/2023 , 10:23 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đang rà soát hiện trạng hệ thống đê điều và hoàn thiện 16 cống dưới đê, cống xung yếu trước mùa mưa bão 2023.

Các công trình cơ bản đã hoàn thành được 70% khối lượng và đảm bảo kịp thời thực hiện nhiệm vụ tiêu, thoát nước trong mùa mưa bão 2023. Ảnh: Đinh Mười.

Các công trình cơ bản đã hoàn thành được 70% khối lượng và đảm bảo kịp thời thực hiện nhiệm vụ tiêu, thoát nước trong mùa mưa bão 2023. Ảnh: Đinh Mười.

Từ đầu năm đến nay, khu vực Hải Phòng chủ yếu chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, gió mạnh trên biển. Trong những ngày có không khí lạnh hoạt động mạnh, trên vịnh Bắc bộ có gió cấp 6 đến cấp 7, giật cấp 8 cấp 9, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản.

Trước mùa mưa bão, UBND TP. Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã phân công nhiệm vụ các thành viên. Theo đó, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hải Phòng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, xây dựng, bổ sung, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro và phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão.

Tiến hành đánh giá chất lượng đê điều trước mùa bão lũ và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu và phương án hộ đê toàn tuyến cấp thành phố. Mặt khác, đã chỉ đạo thực hiện diễn tập phòng thủ dân sự của thành phố và diễn tập bản đồ theo Chương trình hợp tác của Bộ Quốc phòng với Vệ binh Hoa Kỳ.

Các đơn vị chức năng phối hợp rà soát hiện trạng đê điều trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Dũng.

Các đơn vị chức năng phối hợp rà soát hiện trạng đê điều trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Dũng.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hải Phòng đã tổ chức kiểm tra đôn đốc công tác tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai (sạt lở đất đá) tại các địa bàn Đồ Sơn, Kiến An, Thủy Nguyên.

Mặt khác, chỉ đạo khắc phục sự cố tràn dầu khu vực Lạch Huyện, Cát Hải và phối hợp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn vụ tai nạn máy bay Bell 505 số hiệu VN-8650 tại khu vực biển giáp ranh Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong khi đó, với các quận, huyện, theo nhiệm vụ được phân công đến nay cũng đã kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang triển khai tổng kết, đánh giá công tác năm 2023, xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai cũng như phương án hộ đê toàn tuyến và bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải thực hiện kè lại bờ sông Đa Độ bị sạt lở. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải thực hiện kè lại bờ sông Đa Độ bị sạt lở. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Bá Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng cho biết, trước mùa mưa bão chúng tôi đã tổ chức rà soát hiện trạng, mức độ xung yếu của từng tuyến đê, kè, cống dưới đê trong hệ thống đê điều trên địa bàn để xây dựng các phương án hộ đê, tuyến cũng như phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu.

Đến thời điểm hiện nay, việc xây dựng các phương án bảo vệ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang khẩn trương tổ chức thi công, tu bổ để hoàn thành các công trình trước mùa mưa bão.

Đối với công trình đê điều thì các biện pháp công trình phải thực hiện tốt, có kế hoạch triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, lực lượng rồi chuẩn bị vật tư nhân lực để đáp ứng yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ.

Các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Dũng.

Các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: Quang Dũng.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập để bổ khuyết tồn tại, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của các phương án, đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt hơn các tình huống thiên tai theo thực tế có thể xảy ra.

Hệ thống đê điều TP. Hải Phòng khá phức tạp, nằm rải rác tại các quận huyện với gần 417km đê, hơn 91km kè, 387 cống dưới đê. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trước mùa mưa bão 2023, toàn thành phố có 337km đê ổn định, đảm bảo an toàn (chiếm 81%), 70km đê kém ổn định chưa đảm bảo an toàn (chiếm gần 17%) và hơn 8,6km đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn (chiếm gần 2,1%).

Với hệ thống kè bảo vệ đê, hiện có 65km kè ổn định đảm bảo an toàn (chiếm gần 71%), 24km kè kém ổn định chưa đảm bảo an toàn (chiếm 26%) và gần 2,8km kè xung yếu có nguy cơ mất an toàn (chiếm 3%).

Còn hệ thống cống dưới đê có 226 cống đảm bảo an toàn (chiếm gần 59%), 103 cống kém an toàn (chiếm gần 27%), 57 cống xung yếu, bao gồm 15 cống đang thi công (chiếm gần 15%).

Một số công trình còn chậm tiến độ

Ông Đỗ Gia Khánh - Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho hay, hiện tại, trên địa bàn thành phố đang thi công 15 cống dưới đê, qua kiểm tra, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đã khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục, khối lượng chính của công trình.

Tuy nhiên, một số công trình chưa thi công hoàn thành thân cống, đắp hoàn trả đê, lắp đặt cánh cống;  các hạng mục phụ trợ còn chậm so với tiến độ yêu cầu.

Sở NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị khẩn trương thi công hoàn thành các công trình.

Mặt khác, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đặc biệt là công tác đắp đất hoàn trả thân đê cũng như kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống đóng mở cống để đưa công trình vào vận hành khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn.

“Các công trình cống dưới đê mới xây dựng là các trọng điểm đê điều xung yếu chưa qua thử thách với bão lũ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về an toàn công trình và chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng phương án bảo vệ công trình; dự phòng nhân lực, vật tư, thiết bị sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố có thể xảy ra trong mùa lũ bão và trong suốt thời gian bảo hành sau khi đưa công trình vào khai thác, vận hành”, ông Khánh cho hay.

Phân rõ trách nhiệm từng đơn vị, địa phương

Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, từ đầu năm 2023, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành loạt văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia”. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các địa phương.

Theo đó, với các quận huyện và các ngành, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án hộ đê toàn tuyến và bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và cập nhật phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2023.

Sở NN-PTNT tổ chức đánh giá chất lượng đê điều cũng như lập phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu và phương án hộ đê, phòng chống lụt bão, phương án phòng chống ngập úng, bảo vệ công trình thủy lợi để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Hải Phòng được giao chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phối hợp, hiệp đồng các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn được giao bố trí lực lượng, phương tiện xung kích hiệp đồng với lực lượng của thành phố sẵn sàng tham gia cứu hộ đê và xử lý các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các sở, ngành gồm: xây dựng, giao thông vận tải, công an, y tế, tài nguyên môi trường, điện lực, Cảng vụ Hải Phòng, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I… theo chức năng, nhiệm vụ đã lập và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, đảm bảo an toàn an ninh trật tự, an toàn lưới điện, dự trữ thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hiện tại, các địa phương, các ngành chức năng đã xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu cấp thành phố tại 2 vị trí trọng điểm ở huyện An Dương. Đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu cấp huyện tại 21 điểm ở các quận, huyện: Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Tiễn Lãng, Bạch Long Vỹ, An Dương, Đồ Sơn, Kiến An, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Cát Hải. Nhiều nhất là Thủy Nguyên với 4 điểm, sau đó là quận Đồ Sơn với 3 địa điểm.

Xem thêm
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa

Từ ngày 10/5 - 16/5/2024, gần 40 đại biểu Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu tham gia Đoàn công tác số 18 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.