| Hotline: 0983.970.780

Vụ 'móc ruột' đê tả sông Hồng: Hưng Yên yêu cầu xử lý

Thứ Ba 25/04/2023 , 06:42 (GMT+7)

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra làm rõ việc xâm phạm hành lang đê điều trên địa bàn xã Xuân Quan. 

'Bức tử' chân đê

Mới đây, người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên phản ánh về việc đơn vị thi công tuyến đường hành lang chân đê (tương ứng từ K77+340 – K78+000 đê tả Hồng, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, chặt phá tre chắn sóng, đào xén thân đê và khoan giếng ngay tại chân đê.

Thân đê bị xén trong quá trình giải tỏa, thi công đường. Phạm Hiếu.

Thân đê bị xén trong quá trình giải tỏa, thi công đường. Phạm Hiếu.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai ngay lập tức có công văn gửi UBND tỉnh Hưng Yên, Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đề nghị các đơn vị khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đê điều trong việc thi công đường hành lang chân đê và xử lý theo đúng quy định.

Qua tìm hiểu, ngày 14/9/2021, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 2168 cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều. Theo đó, cho phép UBND xã Xuân Quan được tiến hành các hoạt động liên quan đến đê điều tại đường hành lang chân đê tả sông Hồng (công trình Đường giao thông nối từ đường trục chính đi thôn 4, xã Xuân Quan).

Ông Nguyễn Tiến Ánh, hộ dân sinh sống và kinh doanh hoa cây cảnh tại khu vực trên cho biết: “Từ năm 1989, chúng tôi được xã giao cho trồng tre chắn sóng, canh tác hoa màu, tăng gia sản xuất để bảo vệ đê. Tuy nhiên, quá trình làm đường, đơn vị thi công đã múc xén thân đê, khoan giếng ngay tại chân đê và quây lưới B40, múc đất tại vị trí chân đê, mái đê, chặt phá tre chắn sóng tại khu vực trên”.

Ông Ánh chỉ những vị trí xuất hiện giếng khoan nằm trong hành lang bảo vệ đê điều. Huy Bình.

Ông Ánh chỉ những vị trí xuất hiện giếng khoan nằm trong hành lang bảo vệ đê điều. Huy Bình.

Theo đó, Ngày 16/3/2023, UBND xã Xuân Quan đã tổ chức giải tỏa, dọn dẹp vệ sinh mái đê, hành lang đê. Sau khi giải tỏa, UBND xã đã giao Hội Nông dân xã quản lý và tiến hành trồng và chăm sóc tre tại các vị trí này. Tuy nhiên, sau khi tiến hành giải tỏa đoạn hành lang đê nói trên đã xuất hiện 3 giếng khoan, phần thân đê bị múc xén và quây lưới B40.

Một số người tiến hành khoan giếng sau khi UBND xã tiến hành giải tỏa. Huy Bình.

Một số người tiến hành khoan giếng sau khi UBND xã tiến hành giải tỏa. Huy Bình.

Theo ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, thực hiện Quyết định 2168 của UBND tỉnh Hưng Yên với nội dung: "Sau khi hoàn thành công trình phải thanh thải vật liệu, phế thải trong phạm vi đê điều, bãi sông. Trồng lại hàng tre theo quy định”. Tính đến ngày 2/3/2023, UBND xã đã 3 lần ra thông báo về việc di chuyển tài sản, vật tư, vật liệu, tài sản trên hành lang đường giao thông ven đê, hành lang bảo vệ đê điều đoạn từ trường THCS Xuân Quan lên Đầm thôn 4.

Giếng khoan ngay sát chân đê. Ảnh: Huy Bình.

Giếng khoan ngay sát chân đê. Ảnh: Huy Bình.

Theo ông Đôn, tuyến đê từ cổng trường THCS lên thôn 4 là đường bê tông dân sinh rộng từ 3 - 5m, các hộ dân lấn chiếm làm lán trại kinh doanh, để vật liệu, phế thải xây dựng, không có tre chắn sóng. Vị trí này đã được trồng tre chắn sóng từ trước năm 1990; năm 1995 đã cho phép khai thác lần 1, luống tre trũng thấp thường xuyên ngập nước, một số hộ dân tăng gia sản xuất, làm nhà lưới kinh doanh hoa, cây cảnh gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tre, toàn tuyến chỉ có khoảng 20 bụi tre.

Khu vực chân đê quây lưới B40 và bị múc xén. Phạm Hiếu.

Khu vực chân đê quây lưới B40 và bị múc xén. Phạm Hiếu.

Đối với các hố giếng khoan, ông Đôn cho biết đó là do các hộ dân chiếm dụng khu vực trước đó khoan và xã sẽ cho lấp lại. Còn hàng rào B40 quây thân đê là để không cho các hộ dân mang cây cối ra đặt và chiếm dụng khu vực này.

Ngoài ra, việc múc đất tại chân đê, mái đê, ông Đôn cho biết, thực hiện Quyết định 2168 của UBND tỉnh, sau khi thi công phải thanh thải toàn bộ đất thừa và đất phế thải ra khỏi khu vực hành lang đê. Đồng thời yêu cầu đơn vị thi công múc san gạt đất từ chỗ cao sang chỗ thấp để làm phẳng hành lang chân đê, đắp bù các vị trí mái đê.

Còn đối với việc đổ đá bây, UBND xã Xuân Quan cho rằng toàn bộ vị trí san gạt này là do lịch sử để lại. Năm 1993, UBND xã đã bán đất cho người dân làm nhà, sau đó, các hộ đã lấn chiếm, sử dụng phần hành lang, đổ đá, làm lán kinh doanh. Thực hiện Kế hoạch 93A của UBND tỉnh Hưng Yên về giải tỏa hành lang lấn chiếm đất công, UBND xã đã cho san gạt phần gạch đá cũng như bổ sung đá bây để tạo mặt phẳng, cảnh quan, vệ sinh môi trường khu vực. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiến hành trình các cấp có thẩm quyền cho phép trưng dụng khu vực nói trên làm điểm đỗ xe tạm thời của làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan.

Yêu cầu trả lại nguyên trạng đê

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, từ các Công văn của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai số 110 ngày 28/3/2023, số 130 ngày 30/3/2023 về việc chuyển đơn thư của công dân và kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đê điều, Sở NN-PTNT đã giao Thanh tra Sở phối hợp cùng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB, tổ chức thanh kiểm tra khu vực nêu trên và đã có kết luận.

Theo Thông báo số 99, ngày 11/4/2023 về kết quả kiểm tra, xác minh đơn phản ánh, kiến nghị của công dân, hiện UBND xã Xuân Quan đã trồng lại 8 bụi tre ngà tại các vị trí đã di chuyển theo quyết định cấp phép của UBND tỉnh.

Đối với việc thi công một số hạng mục của tuyến đường chưa đúng theo Quyết định số 2168 (như phê duyệt làm đường bê tông nhưng thi công mặt đường đổ nhựa áp phan; chưa bố trí mương, rãnh thoát nước), Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc thay đổi, bổ sung thiết kế thi công của tuyến đường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND xã Xuân Quan.

Mặt khác, quá trình kiểm tra, xác minh thực tế tại đoạn hành lang đê khu vực từ K77+500- K78+000, đoàn công tác đã phát hiện 3 giếng khoan trong hành lang bảo vệ đê; một số vị trí dựng rào B40 và để máy múc xén vào chân đê. Tổ công tác đã lập biên bản và yêu cầu UBND xã Xuân Quan, Hạt Quản lý đê huyện Văn Giang tiến hành giải tỏa, xử lý ngay các vi phạm trên.

Qua đó, Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đã đề nghị UBND xã Xuân Quan xử lý, giải tỏa, tháo dỡ toàn bộ rào thép B40 tại các vị trí trong hành lang bảo vệ đê, đắp bù trả lại nguyên trạng các vị trí đã múc xén vào chân đê theo đúng quy định; chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan trong phạm vi bảo vệ đê điều khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Đê điều;

Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động cho nhân dân để nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về đê điều, Kế hoạch 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh; công khai các chủ trương của địa phương, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân để xây dựng tuyến đê văn minh, kiểu mẫu theo đúng quy định.

Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên yêu cầu Hạt Quản lý đê huyện Văn Giang giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc giải tỏa, khắc phục trả lại nguyên trạng các vi phạm hành lang đê tại xã Xuân Quan theo phản ánh của công dân nêu trên; báo cáo kết quả về Sở NN-PTNT (qua Chi cục Quản lý đê điều và PCLB) để theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý, giải tỏa kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện theo đúng thẩm quyền.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.