Quảng Nam hiện nay đang có khoảng 73 hồ đập lớn nhỏ, trong đó 17 hồ lớn do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, những hồ nhỏ do địa phương quản lý. Đa số các hồ chứa này xây dựng từ lâu nên nhiều hạng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Mặt khác, Quảng Nam lại là địa phương nằm ở ven biển miền Trung, thường xuyên chịu thác động của thiên tai, bão lũ nên việc đảm bảo an toàn các hồ chứa là nhiệm vụ rất quan trọng. Những hồ chứa này không chỉ góp phần giữ nước, cung cấp cho sản xuất nông nghiệp mà còn có nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa bão.
Chính vì vậy, hàng nằm, địa phương này luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, khắc phục những sự cố tại các hồ đập, đảm bảo an toàn nhất trong việc tích nước trong mùa mưa, giảm thiếu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt là việc bố trí các nguồn kinh phí để nâng cấp, sữa chữa các hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng.
Những năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí của dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập (WB8) do Ngân hàng thế giới tài trợ và Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành rà soát các hồ đập có những hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp để phân bổ nguồn vốn đầu tư, sửa chữa.
Năm 2021, địa phương này có 14 hồ đập trong dự án WB8 đang thi công với kinh phí 108 tỷ đồng. Tất cả đều do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư. Trong đó có 3 hồ chứa lớn gồm hồ Cao Ngạn (dung tích hơn 3 triệu m3), Hồ Hố Giang (dung tích 5,3 triệu m3) và Hồ Thái Xuân (dung tích trên 11,3 triệu m3).
Những hồ chứa lớn nói trên bắt đầu triển khai thi công từ 30/1/2021 và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2022. Theo đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, trước khi triển khai thi công, cả 3 hồ chứa lớn và 11 hồ chứa nhỏ đều có những hư hỏng chủ yếu như thân đập sạt lở mái hạ lưu.
Ngoài ra, kích thước đập thời điểm xây dựng theo quy chuẩn cũ, hiện nay theo quy chuẩn mới thì không đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, trước đây bề rộng thân đập chỉ cần 5m là đủ nhưng theo quy chuẩn mới nâng lên 7m nên cần nới rộng thân đập lên. Bên cạnh đó, đa số các hồ chứa vì xây dựng lâu ngày nên phần bê tông thân cống bị mục; hệ thống cửa đóng mở hư hỏng. Ngoài ra, tràn xả lũ cũng bị bong tróc bê tông thân tràn, một số thân tràn bị thấm phải gia cố lại.
Một số đập không có đường quản lý vận hành để ứng cứu khi có sự cố xảy ra cùng với một số hạng mục phụ trợ khác như nhà điều hành, hệ thống điện, hệ thống quan trắc…
Theo đại diện Ban quản lý Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, do hầu như năm nào địa phương cũng có thiên tai, bão lũ xảy ra, do đó, công tác thi công, sửa chữa hồ đập cũng có tính đặc thù. Theo đó, giải pháp của Ban là chỉ đạo các đơn vị thi công phải hoàn thiện các hạn mục trọng yếu trước ngày 30/8 (giai đoạn mùa mưa lũ bắt đầu).
Những hạng mục quan trọng này bao gồm cống, tràn xả lũ, mái thượng lưu đập nhằm đáp ứng đủ điều kiện an toàn để tích nước. Còn các hạng mục phụ như phần hạ lưu, đỉnh đập có thể làm sau thời gian đó. “Tính đến thời điểm hiện nay, các hạng mục chính ở các hồ đập đang thi công đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng.
“Một điểm nữa là trong quá trình thi công, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ để vừa làm sao thi công kịp tiến độ, đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ vừa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ du đúng lịch thời vụ”, Đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam thông tin.
Theo ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam thì trong quá trình thi công sữa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập thì đơn vị cũng đã gặp không ít những khó khăn. Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án triển khai chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như công tác giải ngân vốn đầu tư.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho việc tăng cường công nhân thi công khó khăn; các đơn vị cung cấp vật liệu cũng bị gián đoạn; công tác phối hợp xử lý hồ sơ giữa các ban ngành liên quan cũng chậm hơn do ngắt quãng thời gian để phòng chống dịch.
“Bên cạnh đó, giá vật liệu thời gian qua tăng đột biến cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Bởi phần lớn các hợp đồng được ký theo đơn giá cố định, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, thi công cầm chừng chờ chủ trương điều chỉnh giá. Mặc dù vậy, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành xong các hạng mục trọng yếu, đảm bảo an toàn trong tích nước và xả lũ trong thời gian tới”, ông Điềm nói.