| Hotline: 0983.970.780

Năng lực phòng chống thiên tai của Việt Nam được cải thiện rõ rệt

Thứ Năm 10/06/2021 , 07:18 (GMT+7)

Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, được đầu tư cơ sở vật chất.

Hệ thống công trình phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao khả năng chống chịu của công trình, xóa dần các trọng điểm xung yếu. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống công trình phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao khả năng chống chịu của công trình, xóa dần các trọng điểm xung yếu. Ảnh: Trung Chánh.

Năng lực ứng phó thiên tai được cải thiện

Trong những năm vừa qua, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân. Đặc biệt trong năm 2020, đã có tới 576 đợt thiên tai, 265 trận giông lốc, mưa lớn. Thiên tai đã làm chết và mất tích 357 người, gây thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, được đầu tư cơ sở vật chất. Qua đó, năng lực ứng phó với thiên tai của Việt Nam đã được nâng cao hơn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cơ quan dự báo cảnh báo, giám sát thiên tai đã có nhiều phát triển cả về hệ thống dự báo cũng như nâng cao chất lượng, tiến độ cung cấp thông tin nhất là dự báo vị trí và cường độ bão đã dần tiệm cận với dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các đợt mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự báo, cảnh báo sớm.

Công tác theo dõi giám sát diễn biến thời tiết nguy hiểm, thiên tai trong nước và khu vực đã bước đầu được triển khai bài bản và phát huy hiệu quả tại cơ sở. Công tác trực ban tại các cơ quan phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương được triển khai nghiêm túc, chủ động tham mưu chỉ đạo và cung cấp thông tin về thiên tai cho chính quyền và người dân.

Việc khai thác thông tin từ các cơ quan dự báo quốc tế và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai được chú trọng, qua đó giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nắm bắt được toàn diện các diễn biến thiên tai và đưa ra các chỉ đạo chính xác, kịp thời.

Mặc dù ngân sách gặp nhiều khó khăn do phải tập trung nguồn lực để phòng chống và phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng Đảng và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đầu tư cho hệ thống công trình phòng, chống thiên tai và đã thực sự phát huy hiệu quả.

Hệ thống công trình phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao khả năng chống chịu của công trình, xóa dần các trọng điểm xung yếu. Các hồ chứa với dung tích phòng lũ đã phát huy hết sức hiệu quả trong việc giảm lũ hạ du.

Song song với đầu tư cho hệ thống công trình phòng chống thiên tai, việc cải tạo, củng cố nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung theo hướng đa mục tiêu phục vụ công tác phòng chống thiên tai như trường học an toàn, đường giao thông kết hợp cứu hộ cứu nạn, công trình công cộng kết hợp làm điểm sơ tán tránh trú tập trung cũng được quan tâm đầu tư có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại.

Việc xây dựng những ngôi nhà an toàn cho người dân ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, nhất là ở khu vực miền Trung được chú trọng. Đây là khu vực lũ lên nhanh và thời gian ngập kéo dài, do đó việc xây dựng nhà an toàn được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai. 

Công tác bố trí sắp xếp dân cư ra vùng nguy cơ cao về rủi ro thiên tai đang được nhiều địa phương tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn về tài chính, quỹ đất và các vướng mắc về thủ tục để đảm bảo nơi ở cho người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Chung tay phòng chống thiên tai

Trong năm 2020, cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, công tác hướng dẫn của cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai, sự chủ động của người dân, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực. Trên cơ sở hướng dẫn, người dân đã chủ động chuẩn bị ngay trước khi thiên tai xảy ra, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường.

Xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, tài sản và công tác sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp và các nhà máy nằm ở khu vực ven biển. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động và sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị tham gia công tác ứng phó với thiên tai theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Các khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển đã tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như đưa thông báo bằng tiếng anh đến từng du khách, sơ tán du khách tại các khu vực không đảm bảo đến nơi an toàn, ngoài ra còn cung cấp nơi ở tránh trú bão miễn phí cho người dân trong khu vực.

Đánh giá tình hình thiên tai trong thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cho rằng xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân.

“Chính vì thế các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm ‘4 tại chỗ’, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Liên tục đón các thuyền viên gặp nạn vào bờ an toàn

Đến ngày 13/5 đã thành công đưa 13/14 ngư dân được ứng cứu vào bờ an toàn trong vụ 4 tàu cá gặp nạn bị chìm trên biển ở Quảng Bình.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.