Trong cái nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời lên tới 42 độ C nhưng trên cánh đồng, kẻ gặt người phơi lúa vẫn nhộn lắm. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (HTX Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) hồ hởi nói: “Năm nay bà con nông dân ở đây lại trúng mùa, năng suất bình quân đạt khoảng 74 tạ/ha. Do giá lúa đầu vụ cao nên bà con có lãi lớn”.
Lãi 45 triệu đồng/ha
Cánh đồng như rực vàng lên dưới nắng gắt. Màu lúa chín vàng tươi càng rực lên trong nắng. Trên cánh đồng rộng hơn 140ha của HTX Xuân Bồ, hai chiếc máy gặt cần mẫn chạy ngược xuôi như thi gan với trời. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ cho hay, năm nay, trên cánh đồng chủ yếu cơ cấu các giống VN 20, P6… “Vụ đông xuân năm nay bà con thu hoạch sớm hơn để triển khai vụ hè thu”, ông Dũng nói .
Máy gặt trên cánh đồng cũng có hai loại. Đó là máy gặt đổ lúa vào bao, người phụ đứng trên bệ máy đợi khi thóc đầy bao thì buộc miệng bao và cho bao tải khác vào hứng thóc. Khi máy gặt chất đầy khoang thì ghé vào bờ để vận chuyển lúa đã đóng bao lên.
Loại máy gặt thứ hai là đưa thóc vào bụng chứa, khi đầy thì ghé bờ. Lúc này, chủ ruộng đã có xe công nông đợi sẵn. Trên xe công nông là thùng tôn được đóng cao bốn phía. Máy gặt đẩy cần ra trên thùng xe công nông và thóc được đẩy từ bụng máy gặt ra thùng xe. Khi xe công nông đầy thóc thì vận chuyển về sân phơi của bà con. Thông thường, thùng xe công nông chứa được hai bụng thóc của máy gặt.
Máy gặt ghé sát con đường bê tông giao thông nội đồng, ông Dương Văn Tuynh (thôn Xuân Bồ) đã lái công nông chờ sẵn, thóc đổ xuống thùng xe nghe rào rào. Ông Tuynh là một trong những người nằm trong nhóm nòng cốt của Hợp tác xã với diện tích lúa trên 3,5ha. Ông bảo: “Vụ này được về năng suất, vùng lúa đẹp đạt 75 - 76 tạ/ha, vùng kém hơn do có vướng tý rầy nâu giữa vụ đạt khoảng 70 - 72 tạ/ha. Giá lúa năm nay cũng khá. Tư thương mua thóc “một nắng” giá 9.400đ/kg, mà vụ này không biết sao họ toàn mua lúa “một nắng” chứ chưa thấy ai đặt mua lúa tươi tại ruộng như năm ngoái”.
Để chúng tôi tường tận thêm, ông Tuynh giải thích: Thóc “một nắng” nghĩa là gặt xong phơi một ngày rồi đóng bao. Xe công nông đầy chuyến, ông Tuynh chỉ tay ra phía đoạn đường phía sau nói như giao nhiệm vụ: “Thôi, cho tôi chạy kịp nắng. Ông Diện đến rồi. Nông dân số một Xuân Bồ đó, ông ấy tiếp chuyện các anh nha”.
Ông Nguyễn Văn Diện dừng xe công nông, lau mồ hôi dưới cái nắng bắt đầu gắt rồi bắt chuyện. Ông bảo nhà có 13ha lúa ở đồng này và thuê đồng bên kia nữa. Mấy hôm nay gặt bên này, sang tuần thì gặt bên kia. “Những gia đình tích tụ được nhiều ruộng đều có xe công nông để thuận tiện cho việc sản xuất như vận chuyển giống má, phân bón hay vận chuyển thóc từ ruộng về sân phơi”, ông Diện cho hay.
Ra đồng cùng chúng tôi giữa trời trưa nắng có ông Trần Đình Bí, Phó Giám đốc HTX Xuân Bồ. Trò chuyện cùng ông và các nông dân về chi phí sản xuất vụ đông xuân để cân đối xem vụ này bà con Xuân Bồ “bỏ túi” được bao nhiều tiền bán thóc trên cánh đồng, ông Bí tính toán như sắp sẵn đâu đó: “Tính cho 1 sào (500m2) nhé: Giống (6kg) 180 ngàn đồng; tổng các dịch vụ (làm đất, bảo vệ, thủy lợi phí…) 340 ngàn đồng; phân bón NPK 3 lần bón (30kg) hết 420 ngàn đồng; thuốc bảo vệ thực vật 100 ngàn; máy gặt 140 ngàn; công vận chuyển 20 ngàn đồng… Tổng là hết 1,2 triệu đồng. Vị chi mỗi ha hết 24 triệu đồng”.
“Vậy còn công nông dân” - tôi hỏi. Ông Diện đáp: "Nông dân lấy công làm lãi, thôi không tính. Anh xem, mấy ngày liền nắng 42 độ thế này mà ra phơi ngoài đồng thì tính sao hết được công nông dân. Được mùa, được giá là vui rồi”.
Mọi người lại quay sang tính hoa lợi. Nếu sản lượng lúa đạt 72 tạ/ha, phơi nắng một ngày còn lại khoảng 70 tạ thì có số thu được khoảng gần 66 triệu đồng. Lại trừ đi chi phí còn lãi được sém sém bằng... cái nắng 42 độ. Ông Bí nói vui: “Những trà lúa cao nhất được 76 tạ/ha thì có mức lãi đạt tầm triệu đồng mỗi ha. Đó là con số thật chứ chúng tôi không phải nói chơi đâu. Con số này bà con chúng tôi đổ mồ hôi xuống đồng ban trưa, dưới nắng hè mới có được đó”.
Giảm chi phí để tăng lợi nhuận
Thế mạnh của HTX Xuân Bồ không phải là diện tích đất lúa mà là sự đoàn kết, lòng tin của xã viên vào hợp tác xã và “cách đi" trong những lúc khó khăn.
Khi huyện Lệ Thủy chủ yếu bỏ vụ hè thu để làm lúa tái sinh vì nhiều lý do khác nhau thì bà con nông dân ở Xuân Bồ hùn vốn, thuê ruộng để làm lúa hè thu, nghĩ ra cách chống được “giặc chuột” bằng hệ thống mương nước, hàng rào nilon 2 lớp… Cho đến khi gần như toàn bộ diện tích của HTX Xuân Bồ đã được đưa vào làm 2 vụ lúa chắc ăn và liên tục được mùa thì bà con yên tâm tính đến chuyện lâu dài.
Ông Dương Văn Tuynh kể cho chúng tôi nghe chuyện đã được doanh nghiệp mời đi tham quan mô hình sản xuất lúa sạch, lúa theo hưỡng hữu cơ. Ông bảo: “Nhìn người ta làm thì thích lắm. Nói về đất thì được bồi bổ hàng năm. Nói về sức khỏe cho nông dân thì được bảo vệ tốt hơn. Nói về lợi nhuận thì hơn hẳn, vậy răng ta không làm hè (sao ta không làm nhỉ)?”.
Ông Diện cũng nhìn nhận về canh tác hữu cơ theo hướng khác. Ông bảo hàng chục năm nay, nông dân chỉ chuyên dùng phân NPK nên ruộng bị chai cứng vì mất hết chất dinh dưỡng. Muốn làm nông nghiệp bền vững thì phải chăm đất, cho đất trở lại màu mỡ như trước đây.
“Vào vụ gặt mà không thấy con cá tràu (cá quả) quẫy mình, con tôm, tép bắn tách trên bùn là nông dân cũng buồn lắm. Phải làm sao để sau buổi gặt là có mớ tôm, cá mang về nấu bát canh chua húp mát ruột nữa chớ”, ông Diện bộc bạch thêm.
Trò chuyện như tâm tình, ông Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ chia sẻ đã biết đến mô hình làm lúa hướng hữu cơ, sử dụng thiết bị bay gieo lúa, rải phân. “Bên đó người ta mới thực hiện vụ đầu tiên mà cũng được lắm. Tôi cũng đã sang xem để cảm nhận và học hỏi”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, điều cốt lõi vẫn là việc bồi bổ đất ruộng để duy trì và ổn định năng suất lúa, và giải pháp căn cơ chính là sản xuất hữu cơ. Hàng chục năm qua, trên cánh đồng Lệ Thủy vẫn một nền sản xuất truyền thống là sử dụng phân bón NPK. Vì vậy, nhiều nông dân đã nhìn nhận mặt ruộng hiện bùn không còn mềm nhão mà đã chuyển sang nhờn và cứng. Chỉ cần tháo nước là mặt ruộng khô cứng nhanh chóng. “Vì vậy, để cải tạo đất ruộng thì chỉ có áp dụng nhanh sang hướng sản xuất hữu cơ”, ông Dũng nhìn nhận.
Mặt khác, khi năng suất ổn định thì chi phí đầu vào và lợi nhuận trên đồng ruộng như một trò chơi bập bênh của trẻ. “Muốn lợi nhuận tăng lên thì chi phí đầu vào phải thấp xuống”, ông Dũng bảo.
Nói về chi phí đầu vào của sản xuất lúa, ông Dũng và bà con nông dân đều cho rằng có những chi phí như dịch vụ, công gặt, vận chuyển rất khó giảm. Chỉ có giảm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
”Chúng tôi nhận ra, nếu đưa công nghệ, khoa học vào đồng ruộng trên cơ sở sản xuất hữu cơ thì sẽ tiết giảm được giống từ 6 - 7kg/sào xuống còn 3 - 3,5kg. Phân bón giảm phân nửa, sâu bệnh ít thì kèm theo giảm thuốc bảo vệ thực. Các khoản có thể giảm được cũng nâng lãi trên đồng ruộng thêm từ 4 - 6 triệu đồng/ha. Trên tinh thần này, chúng tôi sẽ định hướng xã viên triển khai mô hình và nhân rộng trong những vụ mùa tiếp theo”, ông Dũng chia sẻ thêm.