Mất mùa, người dân tận thu vớt vát
Khác hẳn không khí rộn ràng, tất bật thường lệ trong những tháng cuối năm, những ngày giáp Tết Ất Tỵ không khí ảm đạm bao trùm làng miến ven sông Hồng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Những năm trước, từ trung tuần tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên Đán, khi những bông hoa đao nở đỏ rực, lá chuyển màu vàng úa là lúc đến kỳ thu hoạch củ. Vào mùa thu hoạch, già trẻ, gái trai đều xuống đồng, người cày, người cuốc nhộn nhịp, huyên náo. Tiếng máy móc, phương tiện vận chuyển củ đao về xưởng sơ chế tinh bột giòn giã khắp xóm làng. Các hợp tác xã và xưởng làm miến tăng cường nhân lực, hoạt động hết công suất để làm ra những mẻ miến ngon nhất kịp cung ứng trong dịp Tết Nguyên Đán.
Thế nhưng dịp giáp Tết năm nay, không khí đìu hiu, trầm lắng bao phủ trên những cánh đồng, len lỏi vào từng xóm làng nơi đây. Nguyên nhân bởi trận lũ dữ do hoàn lưu bão số 3 đã nhấn chìm phần lớn những diện tích đao riềng sắp đến vụ thu hoạch của người dân địa phương. Hiện chỉ lác đác vài hộ dân đang thu hoạch củ đao trên diện tích không bị ngập lụt hoặc chỉ bị lũ tràn qua trong thời gian ngắn.
Gia đình anh Hoàng Văn Hào ở thôn Thịnh Hưng là một trong những hộ dân may mắn còn được thu hoạch trong vụ này. Diện tích đao riềng của nhà anh Hào được trồng ở đất bãi quanh nhà trên vị trí cao nên nước lũ chỉ ngập đến ngang thân cây. Sau khi nước rút, gia đình anh đã kịp khơi rãnh thoát úng nên ruộng đao kịp hồi phục, tuy nhiên năng suất cũng giảm gần một nửa.
Anh Hào chia sẻ, năm nào nhà anh cũng trồng gần 5 sào đao riềng, đây là nguồn thu nhập để trông đợi sắm Tết. Năm nay, so với nhiều hộ dân bị mất trắng thì gia đình anh vẫn may mắn được thu hoạch, tuy nhiên sản lượng củ cũng giảm khoảng 50%. Anh Hào dự kiến thu được khoảng 5 tấn củ, sau đó sẽ thuê chế biến thành bột để bán cho các cơ sở làm miến.
Cũng như nhà anh Hào, gia đình ông Bùi Văn Tuyến ở thôn Thịnh An cũng đang huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch những diện tích đao trong khu vườn nhà. Diện tích này cũng bị ngập úng gần 3 ngày, sau khi nước rút lớp đất bùn phủ gần 10cm. Đến vụ thu hoạch, nhiều củ đã bị thối đen nhưng vẫn phải tận thu để lựa chọn giống trồng lại vào vụ xuân.
Theo ông Tuyến, hàng năm gia đình ông trồng hơn 10 sào đao riềng, sản lượng thu hoạch từ 22 – 25 tấn. Năm nay mất mùa, hơn 5 sào trồng trên diện tích soi bãi ven sông bị ngập sâu, mất trắng, còn lại 5 sào trồng trong vườn năng suất cũng giảm một nửa, dự kiến chỉ thu được khoảng 6 - 7 tấn củ, sau khi thuê xưởng chế biến sẽ bán tinh bột cho hợp tác xã tại địa phương làm miến, lợi nhuận ước đạt khoảng 20 triệu đồng.
Máy móc nằm chờ đao, giảm 50% công suất
Quy Mông là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 với gần 90% diện tích đao riềng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Nhiều diện tích bị ngập, đất phù sa vùi lấp sâu đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất làm ảnh hưởng đến làng nghề miến, nhiều hộ không có nguồn thu nhập bù đắp bởi cây đao riềng chỉ trồng 1 vụ trong năm.
Nếu như giờ này năm trước những bao tải củ đao chất như núi, các hộ dân phải xếp hàng đăng ký trước với chủ xưởng, giàn máy rửa củ đao và nghiền bột hoạt động hết công suất 24/24 giờ để phục vụ bà con chế biến tinh bột. Trái lại, năm nay tại các xưởng chế biến bột, không khí buồn tẻ hẳn.
Ông Phí Đắc Hùng, chủ cơ sở chế biến tinh bột đao ở thôn Thịnh An cho biết, xưởng chế biến tinh bột của gia đình ông đã hoạt động hơn chục năm qua nhưng chưa năm nào nhàn nhã như năm nay. Nếu như mọi năm tầm này xưởng hoạt động suốt ngày đêm thì năm nay máy móc nằm chờ đao, chứ không còn cảnh củ đao chất đống chờ máy. Hiện mỗi ngày cơ sở chỉ chế biến được khoảng 10 tấn củ đao, giảm hơn 50% so với năm trước.
Bên cạnh đó, mặc dù mất mùa nhưng giá bột năm nay lại giảm so với năm trước bởi những khách hàng quen ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Phòng không đến thu mua bột về sản xuất miến do sản lượng giảm mạnh. Chỉ có các cơ sở làm miến tại địa phương và một số nơi như Phúc Lộc, Giới Phiên (thành phố Yên Bái) đến thu mua nên giá bột giảm vì không có sự cạnh tranh.
Do ảnh hưởng mưa lũ, sản lượng đao của xã Quy Mông đã giảm nghiêm trọng. Năm 2024, người dân trong xã trồng hơn 70ha đao riềng, tập trung ở các thôn Thịnh An, Thịnh Bình và Thịnh Hưng, sau mưa lũ hơn 60ha đã bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó gần 50ha mất trắng, số còn lại giảm mạnh năng suất, chất lượng.
Theo ông Phùng Tiến Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông, trung bình mỗi ha đao riềng cho thu hoạch từ 60 - 70 tấn củ, sản lượng hàng năm của xã ước đạt từ 3.500 – 4.000 tấn. Năm nay, sản lượng thu hoạch chỉ khoảng 600 – 700 tấn. Sản lượng tinh bột chế biến chỉ đủ cung cấp cho các cơ sở, hợp tác xã sản xuất miến tại địa phương, số xuất bán ra thị trường bên ngoài không đáng kể.
Hợp tác xã sản xuất miến tật bật
Trong bức tranh ảm đạm ở làng miến Quy Mông thời điểm này, chỉ những hợp tác xã sản xuất miến có gam màu tươi sáng hơn bởi không chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, nguyên liệu tại địa phương vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Hiện nay, tranh thủ những ngày nắng, các hợp tác xã, tổ hợp tác đang khẩn trương cho ra nhưng mẻ miến mới để cung ứng tới khách hàng trong dịp Tết Nguyên Đán.
Vừa tất tả chuyển 2 chuyến hàng gần 200kg miến cho các đại lý ở thành phố Yên Bái bằng xe máy, ông Đỗ Danh Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Toàn Nga lại cùng vợ nhanh tay đóng gói sản phẩm cho khách hàng tại thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên).
Ông Toàn chia sẻ, miến đao ở đây được sản xuất quanh năm, tuy nhiên những tháng cuối năm là nhộn nhịp nhất vì người dân tập trung sản xuất hàng Tết. Nhờ được nhà nước hỗ trợ hệ thống máy móc bán tự động trong sản xuất nên Hợp tác xã đã giúp giảm được công lao động, cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Trung bình mỗi ngày Hợp tác xã có thể sản xuất từ 200 - 300kg miến.
Miến đao Quy Mông được sản xuất theo quy trình sạch, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia nên có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên, nấu quá lửa không bị trương nhão, bết dính, vì vậy được khách hàng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng.