| Hotline: 0983.970.780

Ghép đoạn xương in 3D bằng hợp kim titanium cho bệnh nhân bị ung thư xương

Thứ Tư 06/01/2021 , 08:32 (GMT+7)

Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ghép đoạn xương in 3D bằng hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày đã mất cho bệnh nhân ung thư xương.

Hình ảnh xương chày của bệnh nhân bị khuyết. 

Hình ảnh xương chày của bệnh nhân bị khuyết. 

Chiều 5/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình đã ghép đoạn xương in 3D bằng hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày đã mất cho bệnh nhân (33 tuổi, quê Quảng Nam) bị ung thư xương thành công

Được biết, hai năm trước, bệnh nhân H.V.K (33 tuổi, quê Quảng Nam) đau ở đầu gối khiến cho việc đi đứng trở lên khó khăn. Bệnh viện địa phương chẩn đoán khối u đầu trên xương chày bên trái và chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

Vào tháng 3/2019, anh K. nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán ung thư xương và trải qua 6 đợt thuốc hóa trị. Sau đó, anh K. được phẫu thuật cắt rộng bướu, để lại chiều dài khuyết hổng đầu trên xương chày 11cm.

Do đó, các bác sĩ đã đặt spacer xi-măng kháng sinh và đặt khung cố định ngoài qua gối tạm thời cho bệnh nhân trong khi chờ ghép xương theo phương pháp mới.

PGS Đỗ Phước Hùng, Trưởng Bộ môn Chấn thương Chỉnh hình Đại học Y dược, Phó Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước đây những trường hợp này, các bác sĩ cắt một phần xương đùi chuyển xuống ghép.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép hợp kim titanium cho bệnh nhân để thay thế đoạn xương bị mất.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép hợp kim titanium cho bệnh nhân để thay thế đoạn xương bị mất.

"Khi cắt như vậy trục xương chỉ bị thay đổi, ảnh hưởng đến sự đi lại sau này. Với người trẻ tuổi, nhu cầu đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Cuộc mổ cũng thường kéo dài, vết mổ rộng, chảy máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao. Sau khi ghép xương, nếu cần hóa trị, xạ trị thêm có thể ảnh hưởng xương lành của mảnh ghép”, bác sĩ Hùng nói.

Chính vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) làm mảnh ghép in 3D bằng hợp kim titan dạng tổ ong được thiết kế dựa trên kích thước, hình ảnh mô phỏng chân lành đối diện của bệnh nhân. Đồng thời, Bệnh viện cử bác sĩ Nguyễn Hoàng Phú sang Australia học về kỹ thuật này trong nửa năm, sau đó, mảnh ghép được đưa về Việt Nam ghép cho bệnh nhân.

Mảnh ghép đã được xử lý theo tiêu chuẩn ISO 13485:2016 trước khi ghép cho bệnh nhân.

Mảnh ghép đã được xử lý theo tiêu chuẩn ISO 13485:2016 trước khi ghép cho bệnh nhân.

Theo PGS Đỗ Phước Hùng, so với khối kim loại đặc, mảnh ghép tổ ong trọng lượng nhẹ hơn, có những lỗ được thiết kế vừa vặn, giống như những "ngôi nhà", "cái tổ" để tế bào xương sinh sôi phát triển vào đó. Khi ấy, mảnh ghép trở thành vật thể của chính bệnh nhân, sẽ sống bền vững, thích ứng với sự thay đổi của xương theo thời gian. Mặt khác, trong các kim loại, titan có tính hòa hợp mô tốt nhất.

Ca phẫu thuật ghép đoạn xương in 3D bằng hợp kim titanium cho bệnh nhân diễn ra thành công. Sau 4 ngày, bệnh nhân bắt đầu tập đi bằng nạng. Dự kiến có thể đi lại bình thường, tuy nhiên do khớp gối cũng bị cắt nên bệnh nhân sẽ không phục hồi vận động được khớp gối.

BS Lê Anh Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù mảnh ghép titan 3D đã được ứng dụng ở Việt Nam nhưng chỉ mới ở vùng răng hàm mặt, đây là lần đầu tiên mảnh ghép titan 3D dạng tổ ong được ứng dụng ở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Bệnh nhân có thể đi lại sau ca ghép.

Bệnh nhân có thể đi lại sau ca ghép.

“Ý tưởng mảnh ghép titan 3D điều trị các khuyết hổng lớn xương tứ chi được bệnh viện triển khai thực nghiệm trên thỏ từ tháng 5/2018, chuẩn bị ứng dụng trên người từ tháng 8/2019. Và bệnh nhân H.V.K. là bệnh nhân đầu tiên tình nguyện thực hiện ứng dụng này.

Mảnh ghép 3D được tạo ra vừa vặn với vùng xương mất. Phương pháp cá thể hóa điều trị thích hợp theo từng tổn thương của bệnh nhân cũng là xu hướng trong tương lai”, bác sĩ Tuấn nói.

Được biết, mảnh ghép chỉ nặng 128 gr và chịu lực biến dạng đàn hồi đến 4,2 tấn và biến dạng hoàn toàn dưới tác động lực 5,7 tấn. Chi phí cho mảnh ghép này khoảng 2.500 USD, tuy nhiên, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và mong muốn có hành lang pháp lý để ứng dụng rộng rãi phương pháp này trong tương lai.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.