| Hotline: 0983.970.780

Gia cố, đảm bảo an toàn khu nuôi trồng thủy sản trước áp thấp nhiệt đới

Thứ Ba 09/08/2022 , 14:27 (GMT+7)

Ngày 9/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão ngày 9/8. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão ngày 9/8. Ảnh: Phạm Hiếu.

Áp thấp nhiệt đới đổi hướng trước khi mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 9/8, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, sau có khả năng đổi hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng suy yếu dần.

Dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão nên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngày 9/8, khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp.

Đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 7 giờ ngày 9/8, hơn 52.000 tàu với gần 230.000 người đã được hướng dẫn, chủ động di chuyển phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Cũng trong ngày 9/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành Công Điện số 23/CĐ-QG yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Cụ thể, các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Cùng với đó, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các tàu vận tải và hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá; tổ chức gia cố, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa: PH.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá; tổ chức gia cố, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa: PH.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.

Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan tại địa phương đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú.

Bộ Thông tin truyền thông chỉ đạo các nhà mạng, các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương nhằm đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác ứng phó; chỉ đạo các cơ quan tại địa phương tăng cường chia sẻ, hướng dẫn phòng chống áp thấp nhiệt đới và bão, ưu tiên phát các bản tin cảnh báo và hướng dẫn ứng phó.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá; tổ chức gia cố, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản.

Ngày 8/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cho biết, thiên tai đã làm 1 người chết do lũ cuốn tại Nghệ An; 34 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng do mưa lớn kèm dông, lốc tại An Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.