Xuất hiện vùng áp thấp mới diễn biến khó lường trên Biển Đông. Lâm Đồng cần 651 tỷ đồng tu sửa hồ đập. VRG dự kiến khai thác vượt kế hoạch 17.000 tấn mủ. Giá nông sản khởi sắc nhờ cửa khẩu thông quan ổn định.
XUẤT HIỆN VÙNG ÁP THẤP MỚI DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG TRÊN BIỂN ĐÔNG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng nay (6-8), trên rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Biển Đông hình thành một vùng áp thấp và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 7h sáng nay, vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 15,5-16,5 độ vĩ Bắc, 117,5-118,5 độ kinh Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp Biển Đông nên ngày và đêm nay, ở khu vực bắc và giữa Biển Đông và vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ở khu vực nam Biển Đông Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động. Sóng biển cao từ 2 - 3m.
LÂM ĐỒNG CẦN 651 TỶ ĐỒNG TU SỬA HỒ ĐẬP
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, tính đến sau mùa mưa bão năm 2021, trên địa bàn tỉnh này có 68 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp với các mức độ khác nhau, trong đó có 12 công trình bị hư hỏng nặng đã được bố trí vốn và đang lập hồ sơ thiết kế, còn lại 56 công trình chưa có kinh phí. Từ nay đến năm 2025, Lâm Đồng hướng đến 100% công trình hồ, đập thủy lợi có đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định về an toàn đập, hồ chứa. Về kinh phí thực hiện kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng dự kiến khoảng trên 651 tỷ đồng. Trong đó kinh phí sửa chữa 56 công trình thủy lợi bị hư hỏng là khoảng 553 tỷ đồng và 65 tỷ đồng cho việc thực hiện các nội dung về quản lý an toàn hồ, đập thủy lợi, 33 tỷ đồng hiện đại hóa công tác quản lý khai thác, lắp đặt thiết bị quan trắc vận hành công trình, cảnh báo lũ hạ du.
VRG DỰ KIẾN KHAI THÁC VƯỢT KẾ HOẠCH 17.000 TẤN MỦ
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam VRG, 7 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất ước đạt 13.986 tỷ đồng, tương đương 47% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.434 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.052 tỷ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 1.314 tỷ đồng. Tổng diện tích cao-su kinh doanh toàn tập đoàn từ nay đến 2030 có xu hướng giảm dần còn dưới 250 nghìn ha. Tuy nhiên, năng suất khai thác lại tăng dần đến 2030, bình quân năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha và tổng sản lượng ổn định trong khoảng trên 400-450 nghìn tấn/năm.
Năm 2022, VRG xây dựng kế hoạch tổng sản lượng khai thác là hơn 396 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng trong nước là gần 244 nghìn tấn, ngoài nước là hơn 152 nghìn tấn. Dự kiến đến hết năm 2022 toàn VRG sẽ khai thác đạt hơn 413 nghìn tấn, vượt hơn 17 nghìn tấn, vượt 4,3% kế hoạch. Tất cả các khu vực đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực Campuchia dự kiến vượt cao nhất với 6,5%, tiếp theo sau là khu vực Tây Nguyên với 6%.
GIÁ NÔNG SẢN KHỞI SẮC NHỜ CỬA KHẨU THÔNG QUAN ỔN ĐỊNH
Một số vựa thu mua mít Thái tại khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp báo giá xuất khẩu loại 1 lên đến 23.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Giá dưa hấu xuất khẩu cũng tăng khá cao ở thời điểm hiện tại, loại 1 từ 11.000 - 12.000 đồng, loại 2: 8.000 đồng/kg.
Thanh long Bình Thuận thu mua tại vựa hàng đẹp từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Nhu cầu thu mua của thương lái cũng tăng cao hơn trước để đáp ứng lượng hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch. Một số chủ vườn cho biết cách đây vài ngày giá thanh long đã lên đến trên 20.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện chưa phải là thời điểm thu hoạch rộ nên không có nhiều sản lượng. Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc tăng lên đã khiến giá thu mua trong nước khởi sắc. Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu nông sản sang cửa khẩu biên giới phía bắc hiện tại khá thông thoáng, bình quân mỗi ngày có trên 150 xe xuất khẩu, tổng số container còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn khoảng 300 xe.