| Hotline: 0983.970.780

Gia cố đê, lấp cả lòng sông Gò Chàm

Thứ Năm 07/12/2023 , 11:20 (GMT+7)

Trong quá trình gia cố đê sông Gò Chàm, đơn vị thi công đã đổ đất lấp cả lòng sông để làm đường thi công, khiến dòng sông giảm khả năng tiêu thoát lũ.

“Lấp sông” để làm đường thi công gia cố đê

Công trình gia cố đê sông Gò Chàm, đoạn thượng, hạ lưu cầu Phú Đa thuộc thôn Tân Hội, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) có tổng mức đầu tư 6,8 tỷ đồng gồm 4 đoạn với tổng chiều dài gần 722m; trong đó có 706m đê được xây dựng mới và 16,7m đê gia cố lại.

Cuối tháng 2/2023, để đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn 4 của công trình gia cố đê sông Gò Chàm, đơn vị thi công đã đổ đất lấn chiếm lòng sông Gò Chàm để làm đường thi công. Phát hiện sự việc nêu trên, lo sợ lòng sông Gò Chàm bị thu hẹp sẽ mất khả năng tiêu thoát lũ, mùa mưa lũ sẽ gây ngập úng dân cư bên này sông Gò Chàm thuộc thôn Tân Dân, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), nên UBND thị xã An Nhơn có văn bản phản ánh vụ việc với Sở NN-PTNT Bình Định và đề nghị kiểm tra, giải quyết.

Qua kiểm tra hiện trường, Sở NN-PTNT Bình Định nhận thấy đơn vị thi công gia cố đê sông Gò Chàm đã đổ đất, đá lấn dòng chảy khoảng 3-4m. Trước thực trang trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã đề nghị UBND huyện Tuy Phước yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng thi công, hốt dọn số đất đã đổ lấp dòng sông, trả lại nguyên trạng ban đầu. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp, không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ của sông Gò Chàm trước khi tiếp tục thi công.

Đến ngày 24/10, UBND thị xã An Nhơn tiếp tục nhận được phản ánh của các hộ dân thôn Tân Dân và UBND xã Nhơn An về việc đê sông Gò Chàm vẫn tiếp tục được thi công đoạn 3 của công trình, việc lấn chiếm lòng sông Gò Chàm lại tái diễn.

Lòng sông Gò Chàm bị thu hẹp dòng chảy do thi công gia cố đê sông. Ảnh: V.Đ.T.

Lòng sông Gò Chàm bị thu hẹp dòng chảy do thi công gia cố đê sông. Ảnh: V.Đ.T.

“UBND huyện Tuy Phước thi công đoạn kè ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng không tổ chức hốt dọn đất đã đổ xuống sông Gò Chàm để trả lại hiện trạng ban đầu, mà tiếp tục triển khai thi công mặt kè và mái ta-luy lấn dòng sông, làm thay đổi hiện trạng dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ kè bằng đất thuộc thôn Tân Dân, xã Nhơn An của thị xã An Nhơn vốn đang bị sạt lở, thân kè có kết cấu yếu”, ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn cho hay

Vi phạm Luật Đê điều

Lý giải hiện tượng nêu trên, ông Nguyễn Đình Hồng Thoại, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, đơn vị chủ đầu tư, cho rằng đối với đoạn 4 công trình gia cố đê sông Gò Chàm, do mặt bằng thi công chật hẹp vì chưa giải phóng sạch mặt bằng và gần sát nhà dân, nên đơn vị thi công có đổ đất xuống lòng sông để làm đường công vụ phục vụ thi công, sau đó đã tổ chức hốt dọn lại.

“Còn đoạn 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT Bình Định, nhưng trong quá trình thi công, cán bộ kỹ thuật đã cắm mốc sai dẫn đến việc lấn ra lòng sông hơn 1m”, ông Thoại cho hay.

Nói về giải pháp khắc phục, ông Thoại thông tin rằng đơn vị cùng UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) và UBND xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã làm việc và thống nhất sẽ lùi mặt đê vào bên trong 1m so với thiết kế ban đầu là hơn 2m. Đồng thời, đơn vị thi công sẽ hoàn chỉnh lại hồ sơ thiết kế, tham mưu UBND huyện Tuy Phước trình xin ý kiến Sở NN-PTNT Bình Định.

Việc gia cố đê sông Gò Chàm lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành. Ảnh: V.Đ.T.

Việc gia cố đê sông Gò Chàm lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, việc gia cố, kiên cố hóa hệ thống đê, kè sông Gò Chàm là việc làm tích cực của huyện Tuy Phước trong công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã không theo hiện trạng của sông. Đáng quan ngại là việc xây dựng công trình lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến việc thoát lũ trên sông Gò Chàm và các sông khác trong lưu vực sông Kôn. Theo phân cấp, công trình này do UBND huyện Tuy Phước tổ chức thẩm định và phê duyệt.

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Phú Yên mong được hỗ trợ trong các dự án phát triển thủy sản bền vững

Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và nâng cấp cảng cá Đông Tác là bước tiến giúp Phú Yên phát triển thủy sản bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.