Trước đó, vào cuối tháng 8, lực lượng quản lý đê điều đã phát hiện đoạn đê kè áp mái phía bờ Nam khu di tích Hòn Đá Bạc thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị sụp lún.
Tại khu vực đoạn kè dài 1,5 km đã xuất hiện nhiều lỗ hổng bị sụp lún sâu vào thân kè 2m. Phần cát và đá trong thân kè đã bị cuốn trôi ra bên ngoài. Hiện hằng ngày sóng biển tại khu vực này khá lớn nên cần có giải pháp xử lý nhanh nếu không thì nguy cơ sụp lún đoạn đê này là rất lớn.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau qua kiểm tra thực tế đã chỉ đạo Hạt Quản lý Đê điều phân công lực lượng theo dõi tình hình sụp lún của đoạn kè này để báo cáo. Kiểm tra lại chân khay của kè, nếu bị hư hỏng thì sử dụng rọ đá, đá hộc để làm chân khay.
Tiếp theo trải vải địa kỹ thuật và xếp đá hộc vào bên trong vị trí bị sụp lún để ngăn cản sóng biển tiếp tục khoét sâu vào thân kè bằng nguồn kinh phí duy tu sửa chữa đê hàng năm. Về lâu dài cần phải khôi phục lại hiện trạng kè như kết cấu ban đầu để đảm bảo sự ổn định của kè.
Khảo sát tại 2 điểm đang thi công trên đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Hội gồm đoạn T25 - T29 và đoạn T29 – Khánh Hội. Đây là 2 điểm sạt lở đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Đến nay, đơn vị thi công đã tổ chức tập kết vật tư, thiết bị để thi công hoàn chỉnh công trình. Nhưng hiện nay do sóng to, biển liên tục động nên đơn vị thi công không thể đẩy nhanh được tiến độ theo kế hoạch.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chỉ đạo đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi thì đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là công trình khẩn cấp nên phải làm khẩn trương kể cả làm ban đêm.
Đối với lực lượng công nhân thi công công trình cần phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch Covid-19, khai báo số lượng công nhân thi công với chính quyền địa phương để theo dõi và quản lý. Giao Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công trình trên nhằm bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Tây trước mùa mưa bão sắp đến.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Hiện nay chúng tôi cũng đã chủ động khắc phục được sự cố, hiện công trình đang triển khai thi công. Đến thời điểm này có thể nói là tạm thời đã kiểm soát được tình hình sạt lở, sụt lún bằng giải pháp thảm đá.
Ngoài ra, còn chủ động bảo vệ đai rừng phòng hộ. Đến nay, chỉ còn một phần sạt lở khoảng vài chục mét là có thể vừa đảm bảo rừng phòng hộ, vừa khắc phục bên trong vị trí sạt lở. Hiện nay, đã gia cố chủ động khống chế được tình hình.
Tuy nhiên, theo ông Hoai, khó khăn hiện nay là đang trong mùa mưa bão, biển động, các phương tiện thi công công trình di chuyển ra biển gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vừa phải khắc phục các vị trí sụt lún, sạt lở, vừa phải kiểm tra, theo dõi các vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún trên các tuyến đê hàng ngày để khi có sự cố thì có thể phát hiện kịp thời và xử lý ngay.
Theo dự kiến, thời gian thực hiện khắc phục, gia cố công trình dự kiến từ 3 đến 4 tháng. Tùy theo mức độ khó hay dễ có thể đẩy nhanh hơn nhưng vấn đề khó hiện nay vẫn là thời tiết. Nếu mưa bão kéo dài thì khó hoàn thành khắc phục sự cố theo kế hoạch vì phương tiện không di chuyển được trên biển trong mùa mưa bão. "Những vị trí nguy hiểm, khẩn trương khi thời tiết tốt chúng tôi chủ động khắc phục, gia cố. Có thể nói, cơ bản tỉnh đã Cà Mau đang kiểm soát tốt tình hình sạt lở", ông Hoai chia sẻ.