| Hotline: 0983.970.780

Giá gạo tăng hay giảm, nông dân đều thiệt

Thứ Hai 13/05/2013 , 10:03 (GMT+7)

Có một nghịch lý là khi giá gạo giảm, nông dân bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay cả khi giá tăng vọt thì nhóm đối tượng này cũng không được lợi.

Lúa gạo là mặt hàng đặc biệt quan trọng của kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng là cây lương thực chủ yếu, mặt hàng nông sản XK chủ lực. Tuy nhiên, có một nghịch lý là khi giá gạo giảm, nông dân bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay cả khi giá tăng vọt thì nhóm đối tượng này cũng không được lợi... 

“Lệch pha” giữa SX và XK

20 năm qua, lĩnh vực XK gạo đã phác thảo nên những điểm sáng cho bức tranh kinh tế của Việt Nam. Theo nhận định của giới chuyên gia nước ngoài, tăng trưởng XK gạo trong thời gian này thực sự là điều kỳ diệu ở Việt Nam.

Song, đằng sau điều kỳ diệu ấy là vô vàn các vướng mắc mà ngành lúa gạo đang gặp phải. Nhất là gần đây, giá gạo XK liên tục đi xuống, đặc biệt, trong vòng 3 năm qua, giá gạo XK đã giảm 1.000 đồng/kg… khiến cho cả DNXK và nông dân đều chịu cảnh thua thiệt.

Trước thực trạng này, Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT (Ipsard) kết hợp với Tổ chức Oxfarm tổ chức Hội thảo “Ai hưởng lợi khi giá gạo tăng?” nhằm giải quyết tất cả những bất cập mà ngành lúa gạo đang mắc phải. Và theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, một trong những mục tiêu của hội thảo là giải quyết được vấn đề đang nổi cộm nhất hiện nay: Làm sao để giá gạo tăng và người được thụ hưởng nhất chính là nông dân.

Trên thực tế, thời gian qua, dù Việt Nam là nước XK gạo đứng đầu thế giới, song nông dân – đối tượng chính làm ra cây lúa thì lại không được hưởng thụ nhiều từ những giá trị đạt được nhờ XK. Đây chính là sự “lệch pha” giữa SX và XK gạo.


Chính sách XK gạo chưa làm cho nông dân chưa được hưởng lợi

Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (năm 2011) và Oxfarm (2012) đều cho thấy thu nhập của người dân trồng lúa rất thấp. Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ vùng ĐBSCL, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước chỉ đạt 535 nghìn đồng/người/tháng. Đã vậy, đời sống của họ còn phụ thuộc chủ yếu và giá gạo XK. “Giá gạo XK tăng còn có chút lợi nhuận, giá gạo XK giảm coi như thua lỗ cả vụ mùa”, ông Sơn nhận xét.

Tuy nhiên, theo khẳng định của các chuyên gia ngành lúa gạo, kể cả khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao, thì người trồng lúa cũng khó mà được hưởng lợi. Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia ngành lúa gạo nêu lên một thực trạng khi đánh giá bức tranh XK lúa gạo 20 năm qua: “Khi quan sát lượng gạo XK theo tháng, theo quý, theo năm, dễ dàng nhận thấy một nghịch lý rằng, cứ khi giá gạo XK xuống, Việt Nam lại ùn ùn XK gạo, giá lên thì lại giữ gạo trong kho. Chính cách XK “có vấn đề” như vậy nên dẫn đến thực trạng nông dân không được lợi, DN XK không được lợi, và đương nhiên, nền kinh tế cũng sẽ chẳng được lợi gì”.

Bởi vậy, theo ông Bích, rất cần xem lại chính sách, chiến lược XK gạo của ta hiện nay. Với những gì đang diễn ra ở ngành lúa gạo, chúng ta cần phải đặt câu hỏi: Giá gạo XK lên xuống thất thường, thiệt thòi nhất thuộc về ai?

Cánh đồng mẫu lớn – Lời giải cho giá gạo

Không phủ nhận, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho ngành lúa gạo, trong đó, phải kể đến những chính sách đầu tư cơ sợ hạ tầng, tự do hóa thương mại…

 Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu chính sách và Chiến lược của Ipsard, chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến XK và điều tiết thị trường. “Các chính sách này chưa tập trung tăng hiệu quả XK của ngành mà mới chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường. Mặt khác, nông dân chưa phải là đối tượng chính của một số chính sách”, ông Thắng nhìn nhận.

Cụ thể, nông dân chưa được hưởng lợi nhuận 30% từ trồng lúa như trong chính sách lúa gạo đề cập. Đây là một thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, bởi, giá thành sản xuất lúa không tính đến tất cả các nhân tố cấu thành như lao động, phí thuê đất, lãi suất tiền vay, các chi phí vận chuyển…

Bên cạnh đó, quy định giá định hướng hiện nay cũng không nhằm vào lợi ích của nông dân. Bởi, việc quy định giá định hướng cho DN nhưng DN đâu có thu mua trực tiếp lúa từ nông dân, mà thường phải qua nấc trung gian là các thương lái. Như vậy, quy định giá định hướng vô hình trung lại tiếp thêm lợi nhuận cho thương lái chứ không phải nông dân.

Và để giải quyết những bất cập nói trên, nhằm mang lại những lợi ích mà nông dân đáng được hưởng, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, chính sách lúa gạo rất cần tập trung vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của cây lúa thông qua việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư công nghệ, hỗ trợ giống mới nhằm nâng cao chất lượng hạt lúa thay vì chỉ chú trọng tăng sản lượng XK.

“Những vùng chuyên canh SX lúa hàng hóa phải được quy hoạch để SX lớn, được đầu tư cẩn thận, lúa chất lượng cao phù hợp thị hiếu. Đây chính là những mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được Nhà nước quan tâm, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với những vùng chuyên canh này vẫn chưa rõ ràng”, TS Thắng nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn là rất tuyệt vời cho mục tiêu phát triển ngành lúa gạo. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như vẫn chỉ DN “tự thân vận động”, tại sao Nhà nước không góp tay để phát triển mô hình này bằng cách tạo cơ chế khuyến khích để DN và nông dân cùng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn? “Nếu có những mô hình DN và nông dân cùng làm như vậy, câu chuyện tạm trữ lúa gạo mà Nhà nước chưa biết thực hiện kiểu gì cho hợp lý sẽ có câu trả lời ngay tức khắc”, ông Bích khẳng định.

Bà Lê Nguyệt Minh, chuyên gia cao cấp của Oxfarm đề xuất, cần tập trung nghiên cứu các chính sách phân bổ lợi ích hơn cho những người nông dân, những người trồng lúa.

“Nên dựa trên những nguyên tắc cơ bản như đối tượng hưởng lợi là gì, khi xây dựng chính sách nhất thiết phải chứng minh rõ rằng nông dân sẽ được hưởng lợi, cụ thể hưởng lợi là bao nhiêu. Trên cơ sở này để đánh giá hiệu quả chính sách như thế nào, chính sách đúng hay do thực hiện không đúng hay chính sách sai…”, bà Minh nêu quan điểm.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.