Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo số 31/2015-2020, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice), có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Bên cạnh đó, ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo số 49/2022-Customs về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại lúa gạo như: lúa, gạo lứt và các loại gạo khác (trừ gạo đồ và gạo Basmati). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Sở dĩ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế cao với một số loại gạo xuất khẩu là do lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang sản xuất lúa gạo quan trọng như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng gạo ở nước này.
Ấn Độ hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và chiếm tới hơn 40% thị phần thương mại toàn cầu. Trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Ông V.K Rao, Chủ tịch Hội Các nhà Xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho rằng “Động thái của Chính phủ Ấn Độ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 đô la Mỹ một tấn từ mức 350 đô la Mỹ hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này là Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021).
Thông tin từ Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 431 USD/tấn, gạo cùng loại của Việt Nam từ 392-397 USD/tấn, của Pakistan từ 378-382 USD/tấn và của Ấn Độ từ 338-342 USD/tấn.