Trước diễn biến giá cà phê liên tục duy trì ở mức cao, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai khuyến cáo nông dân giữ ổn định diện tích cà phê hiện có, tránh sản xuất theo phong trào, chạy theo giá thị trường lúc lên cao.
Theo đó, người trồng cà phê ở Gia Lai cần chú trọng khâu thâm canh, tăng năng suất bằng các giải pháp kỹ thuật. Với những diện tích cà phê già cỗi, khi tái canh cần lưu ý chọn giống năng suất cao, kháng bệnh, được kiểm định chất lượng. Đồng thời, nông dân phải nâng cao chất lượng sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Áp dụng tưới tiết kiệm nguồn nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm.
Trước thông tin châu Âu đang xây dựng quy định chống phá rừng với sản phẩm cà phê, ông Hoan cho hay, đây là thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam. Với quy định này, việc sản xuất cà phê trên các diện tích phá rừng sẽ không đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Do đó sắp tới, các địa phương cần phải tăng cường bảo vệ môi trường rừng, chống phá rừng trồng cà phê. Theo ông Hoan, tỉnh Gia Lai sẽ có dự án xác định các vùng trồng cà phê để xem xét có diện tích nào nằm trong vùng phá rừng hay không.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện có trên 105.000 ha, trải rộng ở 10 huyện, thành phố. Trọng điểm tập trung ở các địa phương như Chư Sê, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông... Trong đó, gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, FLO, C.A.F.E.