Động thái này làm dấy lên lo ngại về lạm phát giá lương thực và phản ứng của chính phủ có thể xảy ra.
Giá lúa mì Nga trong tháng 8 đang tăng lên mức cao nhất trong ít nhất một thập kỷ, trái ngược với sự sụt giảm điển hình hay thấy vào thời điểm khi bước vào vụ thu hoạch mới trong các năm thông thường.
Đó có thể là kết quả của việc nông dân giữ lại ngũ cốc không muốn bán ra thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại các giao dịch không có lợi do bị ảnh hưởng bởi chính phủ Nga đánh thuế nhập khẩu thời gian gần đây. Việc đánh thuế có mục đích nhằm giúp kiềm chế lạm phát, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát hiện đã ở mức 6,5%, mức cao nhất kể từ năm 2016.
Ông Eduard Zernin, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga, cho biết trên Facebook hôm 17/8: “Giá lúa mì trong nước tăng do nông dân và thương nhân Nga không muốn bán, ngay cả sau vụ thu hoạch mới, trong bối cảnh áp dụng thuế xuất khẩu lúa mì theo công thức”.
“Nếu giá hiện tại sẽ được duy trì trong một thời gian tương đối dài, chúng tôi có thể mong đợi các biện pháp bổ sung để ổn định chúng”, ông Zernin viết.
Nga, một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, bắt đầu áp dụng một mức thuế thống nhất đối với xuất khẩu lúa mì vào tháng 2 năm nay và chuyển sang áp thuế thả nổi vào tháng 6 khi tìm cách hạ nhiệt lạm phát giá lương thực. Thuế thả nổi đã tăng lên 31,7 USD/tấn trong tuần này, so với 30,4 USD/tấn của tuần trước.
Natalia Orlova, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Alfa-Bank ở Moscow, cho biết tình hình hiện tại với mức lạm phát cao là dấu hiệu không tốt. “Nếu vào đầu tháng 8 giá không đi theo quỹ đạo giảm mạnh, rất khó để nghĩ rằng giá sẽ bắt đầu giảm vào tháng 9”.
Khối lượng vụ thu hoạch lúa mì mới sẽ lớn tới mức nào cũng là một vấn đề được quan tâm khác. Trong tháng này, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết họ dự kiến sản lượng lúa mì của Nga đạt 72,5 triệu tấn, giảm 15% so với dự báo hồi tháng 7. Bộ Nông nghiệp Nga duy trì dự báo sản lượng lúa mì đạt 81 triệu tấn, ngay cả khi một số nhà phân tích độc lập thấy sản lượng này thấp hơn. Bộ Nông nghiệp Nga đã ngừng xuất bản dữ liệu thu hoạch mới sau ngày 11/8.
Evgeny Koshelev, một nhà phân tích tại Ngân hàng Rosbank ở Moscow, cho biết: “Việc dự báo thu hoạch bị hạ thấp cũng là một trong những tín hiệu sơ bộ cho thấy lạm phát có thể không giảm nhanh như chúng ta muốn thấy vào đầu năm sau”.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng đồng rúp năm 2014 để chống lạm phát. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất để chống lạm phát.
Bộ phận báo chí của ngân hàng cho biết họ giám sát giá cả vì nó có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát và hành vi tiêu dùng của các hộ gia đình. Ngân hàng Trung ương Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc tăng giá.
"Tình hình sẽ bình thường trở lại khi vụ thu hoạch mới bắt đầu và giá sẽ bắt đầu chững lại", Zernin vẫn lạc quan. “Lúa mì không bị thiếu hụt, nhưng nông dân chỉ sợ thực hiện các giao dịch không có lợi. Việc thu hoạch hạt có dầu sẽ sớm bắt đầu, thúc đẩy nông dân bán ngũ cốc”.