| Hotline: 0983.970.780

Gia nhập TPP: Nông sản '5 ăn, 5 thua'

Thứ Hai 09/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Khi TPP có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan hơn 98,3% mặt hàng nông, lâm, ngư nghiệp theo lộ trình xóa bỏ ngay và xóa bỏ dần đến năm thứ 13 với từng sản phẩm. 

15-23-02_img_3138

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thông tin tại Hội nghị toàn thể ISG 2015 với chủ đề “Việt Nam gia nhập TPP – Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp”, tổ chức cuối tuần qua, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường XK khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam áp dụng nguyên tắc một bản chào đa phương cho 11 thành viên còn lại của TPP. Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan, từ xóa bỏ ngay đến năm thứ 13 tùy sản phẩm.

“Đồng thời, Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng là thịt lợn và thịt gà, mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa tại các hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+; duy trì mức bảo hộ đối với 3 mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Song song đó, ngành nông nghiệp có cơ hội tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. Hiện nay, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường XK quan trọng hàng đầu đối với nông lâm thủy sản Việt Nam.

“Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch XK hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch XK thủy sản; 100% kim ngạch XK gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam…”, Bộ trưởng nêu rõ.

Không những vậy, TPP sẽ tạo động lực và sức ép cho DN trong nước đầu tư SX theo hướng giảm XK nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường XK sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Tại hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, cho rằng, ngành nông nghiệp cực kỳ quan trọng đối với môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam. Mặc dù có sự tăng trưởng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nhưng ngành nông nghiệp vẫn là nền tảng vững chắc của nền kinh tế.

Theo ông Ted, nông nghiệp sử dụng gần 50% dân số và đang tiếp tục đáp ứng các thách thức về cung cấp thực phẩm cho dân số tăng nhanh ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Nông nghiệp đã mang lại doanh thu khoảng 30,8 tỷ USD từ XK cho Việt Nam trong năm 2014. 

Các đối tác thương mại khác nhau, từ các nước đang phát triển ở châu Phi; các thành viên của tổ chức ASEAN; đến thị trường của các nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang ngày càng chuyển sang NK một loạt các sản phẩm nông, thủy sản và các sản phẩm lâm nghiệp từ Việt Nam.

“Như vậy, khi gia nhập TPP, nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Và tầm quan trọng của nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam cũng như đối với an ninh lương thực trong khu vực là rất to lớn”, ông Ted Osius nói.

Ngoài ra, theo vị đại sứ, sự tiếp tục hội nhập sâu hơn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở cửa cho việc đầu tư vào thiết bị và công nghệ hiện đại hơn, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và làm cho nó hiệu quả hơn.

“Tự do hóa thương mại đem lại những thay đổi năng động và bất ngờ trong một nền kinh tế. Một ví dụ là khi Hoa Kỳ hoàn tất thỏa thuận thương mại khu vực đầu tiên của mình, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có nhiều lo ngại sẽ làm tổn hại tới nông dân, đặc biệt là đối với các hộ SX quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, trong thực tế, hiệp định này đã tạo ra những thị trường lớn hơn cho tất cả các nhà SX trong khu vực. Tổng thương mại nông nghiệp song phương giữa Hoa Kỳ và hai đối tác của NAFTA là Canada và Mexico đã tăng lên gần 5 lần so với mức thu trong năm trước khi thực hiện NAFTA và đã vượt qua mốc 100 tỷ USD trong năm 2014”, ông Ted Osius phân tích.

Không lạc quan như ông Ted, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy đã cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế cao.

“Các quy định về bảo vệ bản quyền như giống, thuốc BVTV, lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… cũng rất chặt chẽ. Ngành sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do sự phụ thuộc vào nguyên liệu NK”, Bộ trưởng cho biết.


Ứng dụng khoa học công nghệ cho chế biến góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT (Ipsard) tỏ ra lo ngại. “Trên nguyên tắc việc tham gia TPP và miễn giảm thuế sẽ tạo điều kiện tốt cho XK và tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ hội này phụ thuộc vào chênh lệch về thuế suất trước và sau TPP cũng như khả năng cạnh tranh và chất lượng hàng nông sản của Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Theo nhà nghiên cứu này, nông sản Việt Nam sẽ “5 ăn, 5 thua” khi gia nhập TPP. Một số mặt hàng sẽ gặp thuận lợi trong XK khi thuế suất bằng 0% như thủy sản, rau quả. Ngược lại, khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, khi chúng ta đang “sở hữu” một nền chăn nuôi chưa tập trung, năng suất và chất lượng thấp.

Để “đón sóng” TPP, theo một số chuyên gia tham dự hội thảo, ngành nông nghiệp cần đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng. Theo đó, đối với rau quả và gạo cần phát triển thị trường Mỹ, Canada; phát triển chế biến và thu hút FDI. Thủy sản cần kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, xây dựng thương hiệu. Mặt hàng gỗ cần kết nối DN Việt Nam và DN XK gỗ của Úc, New Zealand để tiếp cận nguồn nguyên liệu nguồn gốc xuất xứ tốt hơn, đảm bảo yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc xuất xứ...

“Giải pháp để khai thác tốt hơn thời cơ mới do TPP đem lại và đối phó một cách có hiệu quả đối với thách thức, đó là chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy cao hơn lợi thế của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng KHKT, tổ chức lại SX để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường mà đã được các nước cam kết mở cửa cho chúng ta.

Mặt khác, cần nâng cao khả năng cạnh tranh những ngành hàng hiện nay chúng ta còn yếu thế, để chúng ta đứng vững không chỉ cạnh tranh trong TPP mà còn cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp nói chung.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã và đang xây dựng nhiều văn bản, luật pháp và cơ chế chinh sách để trình Chính phủ và Quốc hội để ban hành, tạo ra một hành lang pháp lý, một môi trường thuận lợi để thực hiện giải pháp quan trọng đối với ngành.

Đối với KHKT, ngoài việc đổi mới cách quản lý các cơ sở nghiên cứu chuyển giao của nhà nước, Bộ cũng chú trọng tới việc tạo môi trường thuận lợi, để khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng, đặc biệt là công nghệ cao”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất