| Hotline: 0983.970.780

Giá phân bón đang 'bào mòn' nông dân

Thứ Ba 29/06/2021 , 07:28 (GMT+7)

Hiện Tây Nguyên bước vào mùa mưa cũng là thời điểm người dân mua phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, giá phân bón tăng kỷ lục khiến người làm vườn lao đao.

Giá lập đỉnh

Chủ một đại lý phân bón tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cho biết, hiện nay, giá các loại phân bón như ure, kali, NPK đều tăng mạnh. Trong đó, giá ure hiện dao động từ 12.000 - 12.600 đồng/kg trong khi hồi đầu tháng 5 chỉ ở mức 10.000 đồng/kg, tức tăng trên 2 triệu đồng/tấn.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục khiến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư, sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục khiến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư, sản xuất. Ảnh: Quang Yên.

Giá kali hiện ở mức 9.800 - 10.200 đồng, NPK loại 20/20/15 hiện khoảng 14.000 đồng/kg; NPK 17/7/17 giá từ 12.000-12.400 đồng/kg; NPK 16/8/16 có giá từ 12.000 - 12.300 đồng/kg.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá các loại phân bón những ngày gần đây cũng tăng cao kỷ lục. Bà Nguyễn Thị Thùy, chủ đại lý phân bón tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho hay, ure Phú Mỹ loại 1 tăng gần gấp đôi so với năm 2020 khi giá bán hiện ở mức 650.000 đồng/bao. Các loại như NPK 30/10/10; 30/9/9; 15/5/25 đều tăng từ 50.000 -100.000 đồng/bao.

"Năm ngoái, giá các loại phân bón NPK chỉ ở mức 350.000 - 400.000 đồng/bao nhưng hiện tại tăng lên 450.000 đồng/bao. Giá phân bón tăng mạnh nên việc mua bán bị ảnh hưởng. Năm nay, lượng phân bón bán ra thị trường giảm trên 20% so với năm trước”, bà Thùy cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thùy, trước đây, cứ vào mùa mưa, người dân trồng cà phê, rau, hoa ở Đà Lạt tập trung mua phân bón với số lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá các loại nông sản sụt giảm trong khi giá phân bón tăng cao đã khiến nhiều gia đình không đủ vốn để tái đầu tư.

"Nhiều gia đình thu không bù chi nên đến nay chúng tôi vẫn chưa lấy được tiền phân bón mùa trước”, chủ đại lý phân bón thổ lộ.

Một giám đốc công ty chuyên phân phối phân bón cho các đại lý tại Tây Nguyên, cho biết thời gian gần đây phân tăng nên các đại lý không dám nhập hàng vào nhiều. Trước đây, giá phân bón tăng nhưng sau đó hạ xuống còn những tháng gần đây giá theo chiều hướng tăng liên tục.

"Việc tăng ở đây là do đầu năm những nhà sản xuất phân của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nhiều. Khi xuất khẩu nhiều thì thị trường trong nước sẽ khan hiếm, ít hàng hơn. Ngoài ra do giá phân thế giới tăng nên các nhà máy cũng tăng theo”, vị giám đốc này phân tích và và cho biết thêm, ngoài ra dịch bệnh Covid-19 cũng làm tăng chi phí vận chuyển từ đó khiến phân tăng giá.

Vị này cho biết thêm: "Hiện nay giá phân tăng liên tục. Theo ghi nhận, trong tháng 6 đã 2 lần phân bón tăng giá và không loại trừ tháng 7 sẽ tiếp tục tăng. Trước đây người dân thường mua phân bón dự trữ, còn bây giờ sử dụng tới đâu thì mua đến đó".

"Cắn răng vay mượn đầu tư"

Ông Lê Minh Đồng (ngụ xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) cho biết, gia đình có 3 ha rẫy trồng cà phê và sầu riêng. Mỗi năm gia đình chi khoảng 150 triệu đồng để mua phân bón đầu tư cho cây trồng.

Tuy nhiên hiện nay giá phân tăng cao khiến chi phí đầu tư cho 3 ha rẫy cung tăng gấp đôi. "Gia đình mới bỏ 2 đợt phân nhưng đã hết 70 triệu đồng. Nếu giá phân tiếp tục tăng thì năm nay gia đình phải ra hơn 200 triệu mới đủ bỏ cho 3 ha cây trồng”, ông Đồng nói.

Tại Lâm Đồng, giá DAP, ure, SA, NPK tăng từ 30-40%. Ảnh: Minh Hậu.

Tại Lâm Đồng, giá DAP, ure, SA, NPK tăng từ 30-40%. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Đồng hiện tất cả các loại phân đều tăng giá nhưng tăng nhiều nhất là ure và phân đầu trâu. “Dịch bệnh khiến giá nông sản không cao nhưng tất cả các chi phí đầu tư đặc biệt là phân khiến nông dân đầu tư nhưng không có lời. Để có tiền mua phân bón, gia đình phải đến đại lý ký nợ”, ông Đồng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ thị xã Buôn Hồ) cho biết gia đình có 2 ha rẫy trồng cà phê, tiêu và sầu riêng.

Theo ông Dũng, mọi năm chi phí đầu tư cho 2 ha rẫy của gia đình khoảng 100 triệu. Tuy nhiên đến nay do giá phân tăng cao, gia đình đã bỏ ra hơn 100 triệu để bón cho cây trồng.

“Bây giờ mới vào mùa mưa nhưng gia đình đã bỏ ra số tiền bằng mọi năm để mua phân bón. Giá cao nhưng vì sợ mất mùa sau nên gia đình vẫn phải cắn răng vay mượn đầu tư”, ông Dũng nói.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho hay, giá phân bón cao trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, giá nông sản giảm sút đã khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn.

Theo ông Thanh, trước đây, 1 triệu đồng có thể mua được 2 bao phân bón còn hiện tại 1 triệu đồng chỉ mua được khoảng hơn 1 bao.

“So với thời điểm này năm 2020, giá ure tăng khoảng 6 triệu đồng/tấn. Giá phân cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư sản xuất của người dân. Nhiều gia đình thua lỗ nên ngưng sản xuất”, ông Lê Văn Thanh thổ lộ.

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông có khoảng 500 thành viên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với trên 800ha diện tích cà phê. Do vậy, nhu cầu về phân bón hàng năm rất lớn. Để hướng đến sản xuất bền vững, ông Thanh cùng các thành viên trong hợp tác xã hướng đến chuyển đổi mô hình sản xuất, hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn phân bón hóa học.

Ông Thanh cho biết: "Hợp tác xã đang chuyển dần qua sử dụng nguồn phân bón hữu cơ. Hiện nay, các nguồn phân bón hữu cơ sản xuất được trong nước, nguồn nguyên liệu trong nước nên giá thành vì thế cũng đỡ hơn”.

Ông Quyển, người sản xuất 20ha sầu riêng tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho hay, hiện nay giá phân bón cao nên việc đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn.

"Sầu riêng trên vườn chưa cho thu nhập nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng giờ không còn đường lui, chỉ còn cách tiếp tục đầu tư để chờ mùa vụ năm sau”, ông Quyển nói.

Giá phân bón tăng khiến nông dân lao đao. Ảnh: Quang Yên.

Giá phân bón tăng khiến nông dân lao đao. Ảnh: Quang Yên.

Một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết hiện địa phương có hơn 650.000 ha cây trồng, việc phân bón tăng giá đã làm ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nông dân.

Theo vị lãnh đạo này, việc phân bón tăng gia chủ yếu do dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng. Do nguồn nguyên liệu đầu vào cao từ đó chi phí sản xuất phân tăng dẫn đến giá cả cũng tăng theo.

Do phân tăng giá nên hơn 650.000 ha cây trồng của người dân Đăk Lăk bị ảnh hưởng. Tuy nhiên người dân cũng phải đầu tư nếu không năng suất sẽ giảm dẫn đến thu nhập giảm.

Kiểm soát chặt để ngăn chặn đầu cơ, găm hàng

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho hay, hiện nay giá phân bón ở địa phương tăng cao, đặc biệt là giá DAP, ure, SA, NPK tăng từ 30-40% so với tháng 9 năm 2020. Đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá cả một số mặt hàng nông sản như bơ, hoa tươi cắt cành giảm mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Do giá phân bón tăng và mặt hàng nông sản giảm nên nhiều hộ nông dân trồng bơ, cà phê, hoa cắt cành… đã giảm lượng phân bón đầu tư cho cây trồng”, ông Hà Ngọc Chiến thổ lộ.

Tỉnh Lâm Đồng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh việc các đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón đầu cơ, tích trữ, găm hàng nâng giá. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh việc các đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón đầu cơ, tích trữ, găm hàng nâng giá. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hàng năm nhu cầu sử dụng phân bón toàn tỉnh ở vào khoảng 1,42 triệu tấn. Trong đó bao gồm 0,94 triệu tấn phân hữu cơ (phân bón hữu cơ thương mại 0,37 triệu tấn, chiếm 39,4% tổng số phân bón hữu cơ; phân chuồng do người dân tự ủ 0,57 triệu tấn, chiếm 60,6% tổng số phân bón hữu cơ); 0,48 triệu tấn phân vô cơ.

Cũng theo ông Chiến, khi giá vật tư tăng cao, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị quản lý phân bón nắm bắt tình hình để tránh việc các đại lý, cơ sở kinh doanh đầu cơ, tích trữ, găm hàng nâng giá.

“Hiện nay, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón thực hiện tốt các quy định của Nhà nước. Đặc biệt, không thực hiện việc đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”, ông Chiến cho hay.

Xem thêm
Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm