Năm 2023, diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... của tỉnh Tuyên Quang chỉ đạt khoảng hơn 3.824ha/4.700 ha, bằng 81,4% kế hoạch. Theo phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân của việc không đạt kế hoạch là do giá bán sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… còn thấp khiến nông dân không mặn mà với việc mở rộng diện tích sản xuất.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, việc hỗ trợ kinh phí chứng nhận thực hiện còn chậm. Việc cấp mã số vùng trồng tại các xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chưa đạt tiến độ. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền về mã số vùng trồng còn ít nên các tổ chức, cá nhân và người dân chưa hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng.
Gia đình bà Đỗ Thị Thanh ở thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) gắn bó với sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (GAP) nhiều năm nay. Mảnh đất hơn 5ha, bà dành 2ha để trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam và bưởi, còn lại là trồng rừng. Bà Thanh làm nông nghiệp hữu cơ khi khái niệm ấy còn khá xa lạ với người dân ở Phúc Ninh quê bà.
Để canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, Thanh bà thu gom phân chuồng, phân xanh về ủ làm phân bón; mày mò tìm cách chống sâu, bướm hại quả bằng thiên địch. Bà cho biết, so với canh tác thông thường, làm nông nghiệp hữu cơ vất vả hơn nhiều, nhưng bù lại tăng cường được sức khỏe đất và người trực tiếp làm vườn.
Thế nhưng mấy năm nay, giá các sản phẩm trái cây được chứng nhận hữu cơ không cao, thậm chí tương đương giá như các mô hình làm thông thường nên nhiều nông dân không mặn mà. Tuy nhiên bà vẫn duy trì diện tích vườn cây của gia đình theo quy trình hữu cơ, bởi canh tác theo hướng hữu cơ ngoài cung cấp sản phẩm tốt cho thị trường thì lợi ích trước mắt chính là sức khỏe của bà và gia đình khi trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc vườn cây.
HTX Rau quả an toàn xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên có diện tích 30ha trồng cây ăn quả gồm bưởi, thanh long, chanh, trong đó có 10ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất theo quy trình VietGAP, các hộ nông dân tuân thủ phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, cân đối việc bón phân hóa học và hữu cơ, đảm bảo thời gian cách ly đầy đủ, có sổ ghi chép nhật ký chăm sóc của mỗi nhà vườn…
Tuy nhiên năm nay, việc mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong HTX gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX thừa nhận rằng, làm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP yêu cầu việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao hơn. Quy trình chăm sóc vất vả nhưng giá thấp, nếu thêm cả tem mác truy xuất nguồn gốc thì giá thành càng bị đội lên cao.
Trong khi đó, hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả của HTX chủ yếu là thị trường chợ truyền thống, hầu hết thương lái không đòi hỏi sản phẩm phải có những yêu cầu về tem mác, truy xuất nguồn gốc. Do đó nhiều hộ không mặn mà làm nông nghiệp theo quy trình, tiêu chuẩn GAP.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc mở rộng mô hình làm nông nghiệp tốt trong năm 2023 khó khăn đặt ra cho ngành nông nghiệp Tuyên Quang yêu cầu cần có hướng đi vững chắc hơn trong năm 2024 để tạo sức lan tỏa của chương trình này trong nhân dân. Để làm được điều đó, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP là vấn đề then chốt nhằm khẳng định giá trị của các sản phẩm so với mô hình sản xuất thông thường.
Bên cạnh về giá trị kinh tế, ngành nông nghiệp Tuyên Quang sẽ tuyên truyền để nông dân hiểu được làm nông nghiệp tốt còn để bảo vệ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và cộng đồng, bảo vệ môi trường và cải tạo sức khỏe của đất. Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đang tạo ra những tiềm năng và cơ hội lớn cho cây trồng ở Tuyên Quang có bước tiến mới, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu rộng lớn. Tuy nhiên, bước tiến này còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là ý thức làm nông nghiệp tốt của người dân chưa cao do nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước quan tâm đến sản phẩm sạch, an toàn chưa lớn. Hi vọng với sự nỗ lực của ngành NN-PTNT và chính quyền tỉnh Tuyên Quang, bức tranh nông nghiệp tốt của địa phương này sẽ tươi sáng trong tương lai không xa.