Sáng 1/12, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”.
Đây là Hội nghị lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm qua về lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản. Thông qua Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020 trước những khó khăn, thách thức; nhất là sự tác động của dịch Covid-19; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phát triển bền vững, hiệu quả.
Mở đầu, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, kết hợp với những diễn biến khó lường của các cuộc cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản và toàn ngành Lâm nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới.
Giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.
Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết của toàn ngành. Trên thực tế đã thực hiệu quả các chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Quá trình lồng ghép các chính sách phát triển và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực.
Chi tiết hơn, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “tâm bão Covid-19”, điển hình như miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ).
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại.
Chất lượng rừng trồng ngày càng được cải thiện đã nâng cao rõ rệt giá trị kinh tế trên cũng đơn vị diện tích. Đến nay cả nước đã có hơn 600.000 ha rừng gỗ lớn (126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới 489.017 ha rừng gỗ lớn), trên 200.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp. Cùng với đó, hầu hết đơn vị đã thay đổi về dây chuyền công nghệ, từ sử dụng nguyên liệu rừng trồng nhập khẩu và gỗ rừng tự nhiên chế biến sản phẩm sang nguyên liệu trong nước, nhất là về sản xuất ván nhân tạo (ván ghép thanh, ván sợi, ván dán, ván dăm)…
Đặc biệt hơn, trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành đã sáng tạo và đổi mới phương thức, hình thức tiếp thị, bán hàng để duy trì và mở rộng thị trường, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của ngành gỗ, lâm sản Việt Nam.
Ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Hoa Kỳ đạt trên 6,0 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2019. Sau khi các Hiệp định VPA/FLEGT, EVFTA giữa Việt Nam-EU, TPP, RCEP… có hiệu lực càng nâng cao vị thế, tiềm năng và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.