| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng rừng, hướng tới thị trường các-bon

Thứ Tư 21/10/2020 , 07:30 (GMT+7)

Cùng với nguồn lực mới từ Qũy đối tác các-bon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhiệm vụ trọng tâm tới đây của ngành lâm nghiệp sẽ là nâng cao chất lượng rừng.

Theo kế hoạch, ngày 22/10/2020, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Qũy đối tác các-bon trong ngành lâm nghiệp (viết tắt là FCPF) sẽ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam (viết tắt là Thỏa thuận ERPA).

Với Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD (dự kiến năm 2021 là 15 triệu USD; năm 2023 là 20 triệu và năm 2025 là 16,5 triệu USD).

Khẳng định uy tín quốc tế

Xung quanh Thỏa thuận ERPA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Việt Nam là một thành viên của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị các nước thành viên lần thứ 21 tại Paris năm 2015, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác đã đề xuất sáng kiến và cam kết triển khai sáng kiến lượng giá và chi trả phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá Thỏa thuận ERPA đã khẳng định uy tín quốc tế rất lớn của nước ta. Ảnh: Tùng Đinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá Thỏa thuận ERPA đã khẳng định uy tín quốc tế rất lớn của nước ta. Ảnh: Tùng Đinh

Theo đó, Việt Nam đã cam kết quyết tâm bằng kịch bản thông thường (tự lực của nước ta) sẽ giảm phát thải 8% khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2015. Nếu có thêm sự hợp tác có hiệu quả các tổ chức và quốc gia khác, Việt Nam sẽ cam kết giảm đến 25% khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2015.

Để triển khai sáng kiến này, Liên Hợp Quốc đã thành lập ra Qũy đối tác giảm phát thải các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp (gọi tắt là FCPF). Những năm qua, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với FCPF cũng như với nhiều tổ chức, quốc gia, nhất là với Na Uy và đã có tới 10 năm chuẩn bị, sẵn sàng để thực hiện cơ chế tín chỉ các-bon.

Năm 2018, FCPF đã công nhận Việt Nam cơ bản đã hoàn thành giai đoạn sẵn sàng thực thi quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (viết tắt là REED+). Đồng thời, đã được các bạn bè quốc tế đánh giá cao về nỗ lực này. Việt Nam cũng đã có Chương trình quốc gia về thực thi REED+, luật hóa vấn đề này trong Luật Lâm nghiệp năm 2017. Tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ thi hành Luật Lâm nghiệp, cũng đã quy định tín chỉ giảm phát thải các-bon và việc thực hiện dịch vụ này như là một loại dịch vụ môi trường rừng.

Năm 2018, Bộ NN-PTNT cùng với FCPF đã ký nghị định thư về việc Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên chuyển sang giai đoạn mới là triển khai chi trả quỹ giảm phát các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp dựa trên kết quả đạt được.

Trong hơn một năm qua, Việt Nam cũng đã triển khai đàm phán với FCPF và thống nhất để Ngân hàng Thế giới (WB) điều phối và đàm phàn với Việt Nam để ký thỏa thuận ERPA (dự kiến vào ngày 22/10/2020).

Theo Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, việc ký kết ERPA sẽ mang rất nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam.

Thỏa thuận ERPA sẽ bổ sung nguồn lực kịp thời cho công tác bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Ảnh: TL

Thỏa thuận ERPA sẽ bổ sung nguồn lực kịp thời cho công tác bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Ảnh: TL

Một là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam quyết tâm thực hiện giảm tình trạng mất rừng, suy thoái rừng. Đi đôi với đó là triển khai cơ chế tính toán để lượng giá được lượng giảm phát thải khí nhà kính. Đây là quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Thứ hai, việc ký thỏa thuận ERPA sẽ kịp thời bổ sung nguồn tài chính mới, với tương lai sẽ được duy trì rất ổn định và ngày càng tăng lên nhằm phục vụ cho công tác nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Nếu Việt Nam thực hiện được đầy đủ cam kết này thì từ nay đến năm 2025, 6 tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cam kết giảm được 10,3 triệu tấn phát thải khí CO2, và Qũy FCPF sẽ chi trả cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ khoảng 51,5 triệu USD. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa cho các tỉnh miền Trung để góp phần cùng với các cơ chế của Liên Hợp Quốc thí điểm để thực thi cơ chế giảm phát thải khí nhà kính, thực thi thị trường tín chỉ các-bon trên toàn cầu.

Với thỏa thuận ERPA, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5 trên thế giới ký kết được thỏa thuận với FCPF, và là quốc gia đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận này. Điều này tạo được cho Việt Nam uy tín quốc tế rất lớn, đồng thời sẽ có tác động rất tích cực để Việt Nam sớm triển khai việc chi trả dịch vụ các-bon như là một dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

Sẽ chi trả hợp lí, minh bạch cho các tỉnh hưởng lợi

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết sau khi ký thỏa thuận ERPA với WB, Bộ NN-PTNT sẽ sớm ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện thỏa thuận này.

Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ để quy định chính thức về cơ chế tiếp nhận, đo lường, chi trả tiền thu được từ dịch vụ các-bon một cách hợp lí, minh bạch. Đồng thời, sẽ phải triển khai ngay trên thực tiễn để đo lường hấp thụ các-bon của các diện tích rừng trong diện được chi trả.

Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể, đảm bảo chi trả minh bạch, hợp lí đối với nguồn thu chứng chỉ các-bon từ Qũy FCPF. Ảnh: TL

Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể, đảm bảo chi trả minh bạch, hợp lí đối với nguồn thu chứng chỉ các-bon từ Qũy FCPF. Ảnh: TL

Tuy nhiên theo ông Hà Công Tuấn, vấn đề căn cốt nhất, vẫn là làm sao tiếp tục duy trì, cải thiện tốt hơn nữa tình trạng suy thoái rừng, tăng được diện tích rừng và chất lượng rừng.

Mặc dù hiện nay, khả năng mở rộng thêm diện tích rừng của Việt Nam chỉ còn hạn chế, nhưng chất lượng rừng sẽ phải tăng lên tốt hơn nữa. Khi tăng được chất lượng rừng, sẽ tăng được bể chứa các-bon để có lượng hấp thụ các-bon cao hơn nữa.

Điều này sẽ vừa đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo thỏa thuận cam kết ERPA, đồng thời cũng có thể bán được chứng chỉ các-bon cho các đối tác khác ngoài quỹ FCPF đã cam kết chi trả cho Việt Nam (với mức 5 USD/tấn).

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đánh giá: Nguồn thu từ dịch vụ chứng chỉ các-bon sẽ khác với nguồn thu từ dịch vụ sinh thủy của rừng, vốn phụ thuộc nhiều vào lưu vực sinh thủy, bởi đây là dịch vụ có diện được chi trả rộng hơn. Bộ NN-PTNT cũng sẽ nghiên cứu để triển khai việc chi trả chứng chỉ các-bon theo cam kết ERPA một cách hợp lý nhất cho những thành phần làm nghề rừng trực tiếp làm tăng được bể chứa các-bon tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Đồng thời, cũng sẽ nghiên cứu chi trả hợp lí cho các tỉnh lân cận. Điều này không chỉ để khuyến khích phát triển rừng tốt lên, hấp thụ các-bon nhiều lên mà còn góp phần chia sẻ lợi ích xã hội cộng đồng một cách phù hợp.

Hướng tới thị trường chứng chỉ các-bon bắt buộc

Bộ NN-PTNT mong muốn cơ chế chi trả dịch vụ các-bon cho ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai trên diện rộng. Dĩ nhiên, việc triển khai dịch vụ này không chỉ riêng Việt Nam làm được, mà việc triển khai thỏa thuận với FCPF được xem như một mô hình thí điểm để từng bước lan tỏa, nhân rộng ra toàn cầu.

Việt Nam mong muốn thị trường chứng chỉ các-bon sẽ từng bước trở thành quy định bắt buộc. Ảnh: TL

Việt Nam mong muốn thị trường chứng chỉ các-bon sẽ từng bước trở thành quy định bắt buộc. Ảnh: TL

Việc bán chứng chỉ các-bon theo thỏa thuận ERPA với FCPF, hiện mới chỉ dừng lại ở thị trường tự nguyện, vừa mang tính thị trường, vừa mang tính hợp tác và tài trợ, mang tính thí điểm ở quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng đang hướng tới thị trường mua là các thành phần phát thải lớn của quốc tế là chính. Tuy nhiên ở trong nước, Bộ NN-PTNT cũng sẽ nghiên cứu trình Chính phủ một cơ chế song song với ERPA, sẽ có cơ chế thí điểm chi trả chứng chỉ các-bon trong giai đoạn tới.

Việt Nam cũng đang mong muốn thị trường chứng chỉ các-bon sẽ từng bước trở thành quy định bắt buộc, tức là thành phần gây phát thải CO2 buộc phải mua chứng chỉ các-bon của thành phần hấp thụ CO2, để hình thành một thị trường bắt buộc giữa người bán và người mua một cách thực sự, công bằng. Đây là cơ chế không chỉ đối với Việt Nam mà phải có tính toàn cầu. Khi đó, tất cả những nơi nào có rừng, đều có khả năng tham gia vào thị trường chứng chỉ các-bon. 

Những năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao độ che phủ rừng. Đến nay, dư địa để Việt Nam tăng mạnh về diện tích rừng là không còn lớn.

Vì vậy Bộ NN-PTNT đã có chủ trương đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong giai đoạn tới, phải cơ bản giữ được diện tích rừng cả nước là 42%. Vấn đề quan trọng trong giai đoạn tới, là phải tiếp tục đẩy mạnh khôi phục, nâng cao trữ lượng rừng, nâng cao chất lượng, đa dạng sinh học của rừng tự nhiên.

Đồng thời, sẽ phải ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất để tập trung chủ yếu vào nâng cao năng suất, sản lượng, đặc biệt là chất lượng của rừng trồng.

Việc nâng cao chất lượng rừng (cả về rừng tự nhiên và rừng sản xuất), sẽ không chỉ giúp nâng cao trữ lượng các-bon, tăng nguồn thu từ dịch vụ bán chứng chỉ các-bon, mà quan trọng nữa đó là nhằm phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, giảm thiểu những tác động của thiên tai.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.