| Hotline: 0983.970.780

Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân sợ vươn khơi

Thứ Hai 21/02/2022 , 16:27 (GMT+7)

Chưa đến mức phải nằm bờ dài ngày nhưng hàng trăm tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh hễ ra khơi là thua lỗ vì giá xăng dầu tăng kỷ lục.

Mỗi chuyến đi biển 2 ngày, tàu cá của anh Hạnh chỉ lãi được 500 ngàn đồng/2 người. Ảnh: Thanh Nga.

Mỗi chuyến đi biển 2 ngày, tàu cá của anh Hạnh chỉ lãi được 500 ngàn đồng/2 người. Ảnh: Thanh Nga.

Những chuyến biển đầu năm Nhâm Dần cập cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà mặc dù đầy ắp cá, mực song niềm vui của ngư dân không trọn vẹn.

Anh Nguyễn Phúc Hạnh, quê ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An ngồi co ro trên chiếc tàu dưới 90CV vừa neo đậu vào âu tránh trú bão, thở dài: “Nhờ áp thấp nhiệt đới mà chúng tôi có cớ “nằm bờ”. Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu tăng liên tục nên cứ đi chuyến nào giảm lợi nhuận chuyến đó, thậm chí là lỗ”.

Tàu của anh Hạnh có 2 thuyền viên, chủ yếu khai thác ghẹ, cá ở vùng lộng, cách bờ biển huyện Lộc Hà tầm 3-5 hải lý. Nếu ra khơi ở thời điểm giá xăng dầu ổn định, hải sản dồi dào, mỗi chuyến đi biển 2 ngày thuyền của anh thu về tầm 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 chuyến biển đầu năm Nhâm Dần dù chưa đến mức thua lỗ nhưng trừ chi phí không lãi được bao nhiêu.

Giá xăng dầu tăng cao cộng với biển động nên tàu của ông Phấn đang nằm bờ. Ảnh: Thanh Nga.

Giá xăng dầu tăng cao cộng với biển động nên tàu của ông Phấn đang nằm bờ. Ảnh: Thanh Nga.

“Chuyến đầu tiên tôi đánh được 50 kg cá đục, bán được 2,5 triệu đồng nhưng chi phí hết 2 triệu (riêng tiền dầu 800 ngàn đồng, trong khi trước tết chỉ hết tầm 500 đến 600 ngàn đồng), tính ra, 2 lao động đi 2 ngày chỉ lãi được 500 ngàn đồng, quá bèo bọt”, anh Hạnh nói.

Chung cảnh ngộ, tàu của ông Phấn, cùng trú thị xã Hoàng Mai cũng đang neo tại cảng cá Cửa Sót chờ sóng yên, biển lặng, giá xăng dầu giảm để ra khơi.  

Từ đầu năm đến nay sản lượng, giá bán hải sản đều giảm, trong khi giá nhiêu liệu tăng nên thu nhập của ngư dân ảnh hưởng rất lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Từ đầu năm đến nay sản lượng, giá bán hải sản đều giảm, trong khi giá nhiêu liệu tăng nên thu nhập của ngư dân ảnh hưởng rất lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Phấn cùng vợ và 2 con ly hương vào vùng biển Lộc Hà lập nghiệp cách đây 20 năm. Hàng ngày tầm 2-3h sáng ông cùng một bạn thuyền ra khơi đánh bắt hải sản đến khoảng 12h trưa cùng ngày cập bến. Thời điểm giá xăng dầu chưa tăng, có ngày trúng luồng cá tàu của ông thu về tầm 5-6 triệu đồng nhưng bây giờ, tất cả chi phí đầu vào từ ngư lưới cụ, xăng dầu, đá, thức ăn… đều tăng cao nên hiệu quả chuyến đi biển giảm tầm 30-40%.

“Nghề đi biển cũng như kinh doanh vận tải, biết vận hành là thua lỗ, giảm hiệu quả đó nhưng vẫn phải đi để giữ cái nghề. Nói thật chúng tôi tàu nhỏ sóng nhỏ chứ tàu lớn, đi khơi thua lỗ càng nặng hơn nên nói ngư dân sợ vươn khơi không hề ngoa đâu”, ông Phấn trải lòng.

Đang dọn tàu sau chuyến đánh bắt hải sản dài ngày trở về, ông Nguyễn Văn Hiếu, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, nghỉ tết xong ông cùng 4 thuyền viên lên thuyền đánh cá với mong muốn năm mới có nhiều thắng lợi. Chuyến tàu đầu năm đánh được nhiều cá, tôm nhưng ngư dân chẳng lấy đó làm vui.

"Thuyền chúng tôi công suất 380CV, bình thường mỗi chuyến phải có 5 - 6 người để đánh bắt nhưng những ngày gần đây không thuê được nhân công do mỗi chuyến biển gần như không có lãi. Giá nhiên liệu tăng cao, hơn 20 ngàn đồng/lít nên chi phí mỗi chuyến đội lên cả chục triệu đồng”, ông Hiếu nói.

Nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã phải chuyển phương án khai thác gần bờ để giảm lỗ do giá xăng dầu tăng kỷ lục. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã phải chuyển phương án khai thác gần bờ để giảm lỗ do giá xăng dầu tăng kỷ lục. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà chia sẻ, tại địa phương có 25 chiếc tàu công suất trên 90CV. Việc giá cả nhiên liệu liên tục bị đẩy lên cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân. Tàu đi càng xa bờ lỗ càng nặng. Hiện nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã chủ động thay đổi phương án sang đánh gần bờ.

“Thời gian qua, khi giá cả xăng dầu tăng, nhiều thuyền đậu bờ không ra khơi. Thị trường đánh bắt hải sản ở Hà Tĩnh đã gặp khó nay lại khó khăn hơn. Riêng tại xã Thạch Kim có khoảng trên 100 tàu thuyền công suất lớn, nhưng nay chỉ có 50% hoạt động, còn lại neo bờ. Số tàu ra khơi cũng thu nhập thấp, ngày công tính được từ 50-100 ngàn đồng/người. Vì chi phí cao hơn thu nhập nên giờ dân cũng không mặn mà với nghề biển”, ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà nghẹn ngào.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.