| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/05/2022 , 14:35 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:35 - 26/05/2022

Giá xăng tăng phải cần giải pháp mạnh

Đã đến lúc phải phát huy các công cụ điều tiết để kìm hãm giá xăng, mà Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Giá xăng đã vượt qua cột mốc 30.000 đồng/lít, thực sự đặt đời sống dân sinh vào một thử thách mới. Có nhiều nguyên nhân khiến giá xăng trên thế giới tăng liên tục, trong đó có sự tác động không nhỏ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa thể vãn hồi. Sau hai năm căng thẳng ứng phó Covid-19, thì nỗ lực thích ứng bình thường mới của Việt Nam bị vấp phải áp lực mệt mỏi từ giá xăng.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 3,9%. Con số lạc quan kia, e chừng không thể đảm bảo, khi giá xăng vượt ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng. Tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 37%, cho nên giá xăng tăng sẽ đẩy cao giá nguyên vật liệu nhập khẩu lẫn nguyên vật liệu trong nước, khiến hoạt động sản xuất cũng ảnh hưởng gay gắt.

Không phải vô lý khi đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng “kiểm soát giá cả bây giờ là cấp bách”. Bởi lẽ, giá xăng tăng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển tăng và các loại hàng hóa được dịp “té nước theo mưa” để tăng giá. Nếu không có giải pháp mạnh để khống chế giá xăng tăng, thì phản ứng dây chuyền sẽ tạo khốn đốn cho sự phục hồi của cộng đồng sau đại dịch.

Đành rằng, giá xăng tăng trên diện rộng quốc tế, nhưng giá xăng trên 30.000 đồng/lít không hề dễ chịu so với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc phải phát huy các công cụ điều tiết để kìm hãm giá xăng và ổn định thị trường, mà kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Để giá xăng không tiếp tục tăng kỷ lục, có thể miễn giảm vài loại thuế mà mặt hàng thiết yếu này đang gánh chịu. Thứ nhất là thuế bảo vệ môi trường, thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt, thứ ba là thuế giá trị gia tăng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ mới đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nghĩa là vẫn có dư địa 50% còn lại linh hoạt vận dụng. Đồng thời, có thể miễn 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, vì trong điều kiện khó khăn thì không thể xem xăng dầu như các sản phẩm ô tô, tivi, tủ lạnh, máy giặt... Tương tự, có thể miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng trong một thời gian nhất định, như một gói hỗ trợ an sinh, để giá xăng không cản trợ nhịp điệu vận hành xã hội.

Giá xăng bình ổn thì thị trường không bị tác động tiêu cực, và cũng tránh nguy cơ lạm phát vượt khỏi dự báo 3,9% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Có nhiều ý kiến lo lắng, nếu áp dụng miễn giảm vài loại thuế thì giá xăng trong nước sẽ thấp hơn một số quốc gia láng giềng và dẫn đến tệ nạn buôn lậu xăng qua biên giới. Điều ấy chẳng đáng bận tâm, vì chống buôn lậu không khó bằng việc duy trì tốc độ phát triển chung. Khi triển khai biện pháp mạnh để quản lý giá xăng tăng, thì doanh nghiệp yên tâm sản xuất và các chuỗi cung ứng không bị đứt gãy khôn lường.

Bình luận mới nhất