Nước về sa mạc cát
Chúng tôi có mặt tại vùng đất khu Lê Hồng Phong những ngày này, dưới ánh nắng chói chang và oi bức khi tỉnh Bình Thuận đang thời điểm vào mùa khô.
Nước về giải khát cho sa mạc cát (Ảnh: Lê Khánh) |
Giữa vùng cát sa mạc vốn khô khan, trơ trọi, chúng tôi men theo tuyến kênh chính Tây, bất ngờ được tận hưởng nguồn nước mát rượi vì 4 ao trữ nước đang được thi công, trong đó 2 ao đã hoàn thành và bơm nước đưa vào sử dụng.
Đứng cạnh ao tích nước rộng 2.000m2, thuộc khu vực Răm Ba, xã Bình Tân, ông Dương Ngọc Ánh, Trưởng trạm bơm khu Lê Hồng Phong cho biết: Thời gian qua, khi chưa có khu trữ nước, chưa có khu tưới và chỉ có lượng nước trên kênh nhưng không đáng kể. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương chưa được đảm bảo, trong khi đó mỗi lần vận hành chạy máy tiêu tốn rất nhiều chi phí nhiên liệu.
Tuy nhiên, khi Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận có chủ trương đào ao trải bạt để tích nước, phục vụ nhân dân, nhất là vào thời điểm mùa khô thì đây là giải pháp phát huy hiệu quả bước đầu của công trình trạm bơm Lê Hồng Phong.
Cũng theo ông Ánh, theo kế hoạch trong năm 2018, Cty sẽ đào xong 4 ao trữ nước, trung bình mỗi ao 35 x 37 x 3m, diện tích mỗi ao 2.000m2, chứa khoảng 4.000m3 nước, với kinh phí 250 triệu đồng/ao.
Việc quản lý ao nước sau khi hoàn thành, sẽ được Cty có bố trí nhân lực, đồng thời, thông báo và hướng dẫn cho bà con trong vùng đến lấy nước. Mặt khác, tại các ao nước đều có bảng cảnh báo nguy hiểm, có phao cứu hộ đề phòng trường hợp tai nạn đuối nước có thể xảy ra.
Dân sẽ hưởng lợi
Kể từ khi những ao “nhân tạo” được hình thành và tích trữ nước phục vụ miễn phí, bà con nơi đây ai nấy đều phấn khởi vì được hưởng lợi.
Đào ao tích nước giúp dân hưởng lợi (Ảnh: Lê Khánh) |
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn 4, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) có hơn 4ha rẫy ven kênh chính Tây khu Lê Hồng Phong vui mừng cho biết: "Trước đây chúng tôi chỉ trồng cây bạch đàn, nhưng trải qua mùa khô đều bị chết dần, chết mòn do không có nguồn nước tưới. Vì vậy, khi cán bộ Cty thủy lợi đến vận động, gia đình thấy được lợi ích từ việc đào ao mới phát huy hiệu quả sản xuất nên đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất. Nhờ có nguồn nước trữ trong ao, nên gia đình dự kiến chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lùn để phát triển kinh tế”.
Phía đối diện ao nước là căn chòi của ông Tạ Thanh Hải, khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) đang sở hữu 3,5ha đất rẫy và chăn nuôi 5 con bò.
Ông Hải cho biết, trước đây không có nguồn nước tưới nên gia đình chỉ trồng keo nhưng hiệu quả thấp, hiện trạng là bãi đất cát trơ trọi. Nay có nguồn nước dự trữ dồi dào, gia đình dự định chờ mưa xuống sẽ đào, lắp hệ thống tưới, lấy nước từ ao nước thủy lợi để xuống giống cây mãng cầu.
Còn ông Đỗ Trường Thủy, người cùng khu phú Lương Nam đang chăn nuôi 20 con bò, chăn thả tại khu vực kênh cũng vui không kém. Ông cho biết, khi chưa có nước từ ao, hàng ngày ông chở nước từ nhà đến khu chăn thả để bò uống, nay đã có nguồn nước tại chỗ nên giảm rất nhiều thời gian, công sức.
Khi công trình cấp nước bắt đầu phát huy hiệu quả tưới, cũng là lúc các hộ dân quanh vùng được hưởng lợi và lên kế hoạch cho việc trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao hiệu quả kinh tế… Rõ ràng, việc phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước sau khi công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong hoàn thành vẫn là bài toán khó của đơn vị quản lý và địa phương bấy lâu nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khô hạn đang diễn ra thì việc đào ao tích nước phục vụ nhân dân được coi là một giải pháp hiệu quả. |