Mảnh ghép đó nằm trong lộ trình xây dựng The CrownX trở thành “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng trong 5 năm tới.
Ba vòng tròn nhu cầu
Những hồ nghi về thương vụ mua lại hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan vào cuối năm ngoái đang dần được tháo gỡ sau kỳ đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn này vào cuối tháng 6 vừa qua.
Nhưng mục tiêu đặt ra của lãnh đạo Masan không chỉ dừng lại ở việc mở đường cho hàng tiêu dùng của Masan tiến vào kênh bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất Việt Nam, mà xa hơn đó là lộ trình tạo ra “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng thế hệ mới dựa vào lý thuyết “3 vòng tròn nhu cầu”.
Trong đó, cơ bản nhất là ngành hàng nhu yếu phẩm cho cuộc sống (các sản phẩm thiết yếu con người sử dụng trong đời sống hàng ngày), tiếp theo là nhu cầu về sản phẩm tài chính và cuối cùng là nhu cầu xã hội (bao gồm kết nối hay giải trí).
The CrownX được kỳ vọng trở thành “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng, như tân Tổng giám đốc Masan Group - Danny Le công bố trước đó.
Trước đó, ngày 27/6, Công ty cổ phần The CrownX chính thức đi vào hoạt động. Đây là công ty sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM).
Các cổ đông Masan đã thông qua nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc mua thêm 15% cổ phần của The CrownX.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan cho biết tại phiên thảo luận, giao dịch đáng chú ý này đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị lên đến 1 tỉ USD. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III/2020.
The Crown X là gì?
Theo lý giải của Masan về tên gọi The Crown X, chữ Crown trong tiếng Anh là vương miệng, với hàm ý xem người tiêu dùng là vua, là nữ hoàng. X đại diện cho các ý tưởng đột phá, những sáng kiến đỉnh cao công nghệ. Vì thế, The CrownX cũng có nghĩa là dùng tất cả nỗ lực, trí tuệ để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group chia sẻ: “Công nghệ, cuộc sống luôn luôn thay đổi. Mặc dù vậy, sẽ có những điều không bao giờ thay đổi. Trong kinh doanh, những điều không thay đổi là ngọn hải đăng dẫn dắt con đường chúng ta đi. Hơn 20 năm qua, Masan chỉ có một con đường. Trên con đường đó, mỗi ngày, đội ngũ Masan nỗ lực làm việc để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam”.
Xét về quy mô bán lẻ thì The CrownX gần như đã là nền tảng lớn nhất hiện nay, với sự kết hợp giữa 300.000 điểm bán truyền thống theo kênh sẵn có của MCH, và hệ thống bán lẻ hiện đại hàng đầu chiếm 30% thị phần và có độ phủ toàn quốc của VCM.
Tuy nhiên, nền tảng bán lẻ này được kỳ vọng còn nhiều hơn thế, với tham vọng đẩy doanh số bán lẻ hiện đại chiếm tới 50% trong tổng giá trị ngành bán lẻ trong vòng 5 năm tới, dù hiện mới chỉ ở mức 8%.
Masan tin rằng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai, do tầng lớp trung lưu gia tăng, quá trình đô thị hóa tiếp diễn mạnh mẽ và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19.
Nhưng sự kết hợp giữa các điểm bán đơn thuần là chưa đủ, mà cần phải có đủ sản phẩm tốt để cung cấp cho khách hàng.
Thực tế trong nhiều năm qua, các công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan đều là những công ty dẫn đầu các lĩnh vực thực phẩm chế biến và đồ uống, bán lẻ, thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, sản xuất hóa chất công nghiệp và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank).
Không chỉ là những lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, đây đều là nhóm sản phẩm thuộc nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, là nhu cầu cơ bản nhất của người tiêu dùng. “Các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Danny Le cho biết.
Trong 3 vòng tròn nhu cầu này, lộ trình của The CrownX không chỉ mở rộng giá trị ngành hàng tiêu dùng theo chiều dọc (độ sâu sản phẩm), mà còn dự kiến mở rộng theo hàng ngang, tức mở rộng danh mục sản phẩm.
Ngoài những thương vụ M&A ngành hàng mới (như đầu năm nay Masan đã hoàn tất thương vụ mua lại Bột giặt Net), The CrownX dự kiến cũng sẽ phát triển các sản phẩm mang nhãn hàng riêng (dự kiến có thể đóng góp tới 40% doanh thu trong tương lai) và hợp tác với nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước khác.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối của The CrownX cũng có thể mở rộng nhanh chóng trong thời gian tới về mặt cơ học, bằng cách thức nhượng quyền và hợp tác quảng bá kinh doanh.
Nhưng dù phát triển sản phẩm hay mở rộng điểm bán lẻ, chiến lược của Masan từ trước đến nay vẫn nhất quán là giữ biên lợi nhuận ở mức ổn định. “Chiến lược của The CrownX là mở rộng chiều sâu ngành hàng nhưng luôn phải đảm bảo biên lợi nhuận trên 20%”, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MCH cho biết.
Mối quan hệ mật thiết và lâu dài với hệ thống phân phối hàng tiêu dùng ở nông thôn sẵn có, sẽ là bàn đạp quan trọng để giúp Masan đẩy nhanh phát triển kênh mua sắm hiện đại phục vụ người tiêu dùng ở nông thôn trong thời gian tới.
Từ offline đến online
Trong 5 năm tiếp theo, mục tiêu The CrownX đặt ra là sở hữu 10.000 cửa hàng và 20.000 cửa hàng nhượng quyền, với doanh thu có thể lên đến 250.000 tỉ đồng trong kịch bản tốt, phục vụ cho là phục vụ 35-50 triệu khách hàng. Hiện nay, The CrownX có hơn 3.000 cửa hàng và phục vụ 9 triệu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đáng chú ý ở đây là The CrownX không chỉ được đặt vấn đề phát triển kênh bán hàng offline, mà các nhà lãnh đạo Masan cũng nhắc nhiều về câu chuyện của công nghệ.
Dù trong ngắn hạn, việc phát triển kênh online chưa phải là mục tiêu cao nhất, nhưng chiến lược “online hóa” là một phần không thể thiếu với The CrownX, vì chúng cho phép “mở ra” một cổng kết nối giữa các hộ gia đình, nhà sản xuất hàng hóa và nhà bán lẻ.
Trên thế giới, mô hình bán lẻ kết hợp giữa offline và online là không mới. Nhiều thương hiệu bán lẻ sau khi xây dựng đế chế vững mạnh ở cửa hàng truyền thống thì tiến lên online, và ngược lại.
Chẳng hạn như trường hợp điển hình Alibaba (Tung Quốc), nổi lên với mô hình thương mại điện tử. Tuy nhiên sau đó chính Alibaba cũng phải đầu tư mạnh mẽ vào các công ty sản xuất, các chuỗi bán lẻ truyền thống, sở hữu các điểm bán lẻ vật lý.
Tương tự với thương hiệu bán lẻ Amazon (Mỹ). Sàn thương mại điện tử này cũng mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ, đặt tên thành Amazon Go, bán hàng hoàn toàn dựa trên các phát min về công nghệ như mua sắm và thanh toán theo kiểu tự động.
Ở hướng ngược lại, hệ thống đại siêu thị truyền thống Walmart (Mỹ) mở rộng kinh doanh bằng cách mua lại những nền tảng thương mại điện tử thông minh, giúp khách hàng tiết kiệm qua từng bước mua sắm mới mẻ.
Tổng quan vậy để thấy được rằng việc kết hợp cả offline và online là hướng đi mới trong trào lưu bán lẻ hiện đại ngày nay. Khái niệm này được gọi là “bán lẻ kiểu mới”, nhưng lãnh đạo Masan thì lại định nghĩa khác đi một chút, đó là hệ sinh thái “tiêu dùng – công nghệ” (Consumer – Tech), với tiêu chí đặt người dùng làm trọng tâm.
Không ngạc nhiên khi yếu tố “công nghệ” được đặt bên cạnh “tiêu dùng”. Công nghệ theo đó được xác định là lợi thế cạnh tranh đột phá, để phân tích nhu cầu người dùng theo thời gian thực, từ đó có thể dự đoán xu hướng tiêu dùng trong tương lai.
Trên thực tế, VinCommerce được cho là sở hữu tập dữ liệu có quy mô khoảng 8 triệu khách hàng. Trong giai đoạn một của “lộ trình kỳ lân”, Masan cho biết tập đoàn đang tập trung xây dựng nền tảng bán lẻ thông minh hơn, và cải thiện năng suất thông qua việc tự động hóa hệ thống dữ liệu.
Viễn cảnh này cũng không quá xa vời tại Việt Nam nếu nhìn vào lộ trình từng bước tạo ra hệ sinh thái, hay nói cách khác là tạo ra đế chế, ở nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Nhiều công ty như Alibaba, Amazon, Facebook hay Apple,… thường đi đầu trong việc nắm bắt, thậm chí tạo ra làn sóng thay đổi nhu cầu tiêu dùng tại mỗi “vòng tròn nhu cầu”, hay thậm chí là cả ba, trong đó công nghệ là nhân tố giúp xoay chuyển cuộc chơi.
“Chúng ta đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng 1 nền tảng. Công nghệ không chỉ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới của chúng ta, mà bản thân công nghệ cũng sẽ là một mảng kinh doanh độc lập”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đăng Quang nhận định.