| Hotline: 0983.970.780

Giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục, dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản

Chủ Nhật 30/06/2024 , 08:45 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2024, vốn FDI giải ngân ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023; dòng vốn ngoại rót vào bất động sản tăng hơn 61%...

Vốn FDI thực hiện giai đoạn 2016-2024. Người viết tổng hợp, theo số liệu công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài.

Vốn FDI thực hiện giai đoạn 2016-2024. Người viết tổng hợp, theo số liệu công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu FDI mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/06/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong nửa đầu năm, vốn FDI đầu tư mới tiếp tục duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ, kể cả về số dự án và vốn đầu tư.

Cụ thể, đã có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Có 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 6,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ.

Có 1.420 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà FDI, giảm 10,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 57,7% so với cùng kỳ.

Về vốn thực hiện, tính tới 20/6, vốn giải ngân đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là số vốn giải ngân cao kỷ lục, ghi nhận trong hơn 5 năm qua.

Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 cao kỷ lục.

Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 cao kỷ lục.

Một diễn biến đáng chú ý, riêng trong tháng 6/2024, lượng vốn FDI điều chỉnh đã tăng thêm vượt trội so với các tháng đầu năm, với gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng. Qua đó, góp phần làm tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng tăng tới 35% thay vì giảm liên tục so với cùng kỳ trong các tháng trước đó.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 70% tổng vốn đăng ký

Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản dù đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, song có mức tăng trưởng tới 61,5% so với cùng kỳ.

Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn gần 614 triệu USD và hơn 452 triệu USD. Còn lại là các ngành khác...

Top 5 đối tác FDI hàng đầu đều tới từ Châu Á

Về đối tác đầu tư, trong giai đoạn, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó,Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với cùng kỳ 2023.

Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, Trung Quốc hiện là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 29,1% tổng số dự án FDI vào Việt Nam nửa đầu năm.

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Thống kê cho thấy, các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống đến từ châu Á. Chỉ riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc) đã chiếm tới 73,7% số dự án đầu tư mới và 68,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Bắc Ninh quay trở lại top 1

Xét theo địa bàn đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ.

Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 1,54 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.

Như vậy, so với xếp hạng ghi nhận ở tháng liền kề, Bắc Ninh từ vị trí thứ 3 ở tháng 5 đã vượt qua Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội để trở lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn FDI.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng vươn lên vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM,…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên.

Số liệu thống kê ghi nhận, riêng 10 địa phương trên đã chiếm tới 79,5% số dự án mới và 77,9% số vốn đầu tư của cả nước nửa đầu năm.

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Theo Cục đầu tư nước ngoài

Xét về tình hình xuất, nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Theo đó, khối này xuất siêu 22,62 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 21,62 tỷ USD không kể dầu thô.

Chính giá trị xuất siêu trên đã bù đắp phần nhập siêu hơn 13,3 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng gần 8,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm...

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Lạc lối ở vườn cam Xã Đoài lớn nhất miền Trung

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hằng năm, vườn cam rộng hơn 70ha với thương hiệu Cam tươi FVF của Tập đoàn TH bắt đầu chín rộ.