Hệ thống cảnh bão lũ thông minh được trưng bày tại hội thảo. |
LoRa là công nghệ truyền tải dữ liệu không dây với khả năng truyền tải trên phạm vi lớn, công suất thấp nên rất thích hợp để ứng dụng trong cảnh báo thiên tai, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi mà mạng viễn thông chưa ổn định, dễ dàng xảy ra sự cố khi có thiên tai.
Ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Cty cho biết: Hệ thống VFASS gồm các thiết bị cơ bản và quản lý dữ liệu như cảm biến, thiết bị điều khiển, thiết bị cảnh báo cả trong nhà và ngoài trời và nền tảng quản lý. Các thiết bị được được kết nối qua giao tiếp LoRa và hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời (có acquy, pin dự phòng).
Đặc điểm nổi trội của hệ thống là các thiết bị nhỏ gọn, vận hành cảnh báo không phụ thuộc vào nguồn điện và mạng viễn thông. Thiết bị điều khiển cũng được kết nối với nền tảng quản lý qua giao tiếp 3G, 4G từ đó cho phép các cơ quan quản lý theo dõi tình trạng vận hành của hệ thống, độ sâu ngập lụt, lượng mưa… tại các điểm cảnh báo qua internet.
Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS đề xuất 4 giải pháp cụ thể để giải quyết 4 vấn đề lớn trong cảnh báo thiên tai ở nước ta hiện nay đó là cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng, cảnh báo ngập sâu tại ngầm tràn, hầm chui và đô thị, cảnh báo an toàn hạ du hồ chứa và cảnh báo lũ quét và mưa lớn vượt ngưỡng.
Ông Văn Phú Chính cho biết: Đối với cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng, hiện các tỉnh miền Trung đã xây dựng hàng trăm tháp báo lũ. Các tháp này chỉ đánh dấu được các mực nước lũ xảy ra mà không thể cảnh báo tức thời tình trạng lũ đến cộng đồng.
Do đó giải pháp đề xuất của VFASS là tại các tháp báo lũ hoặc các vị trí gần dân cư sẽ đặt thước đo mực nước điện tử và trạm điều khiển gần đó. Trạm báo động ngoài trời sử dụng loa phóng thanh công suất lớn 150W và có thể tích hợp chức năng phát thanh thông báo thông qua bộ đàm hay điện thoại di động để cảnh báo.
Các thiết bị cảnh báo này kết nối LoRa với nhau tạo thành một mạng truyền tín không dây vừa có chức năng nhân tín hiệu vừa có chức năng phát tín hiệu. Tùy theo yêu cầu phòng lũ tại mỗi vùng lũ dân cư sẽ cài đặt các mức cảnh báo khác nhau.
Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS được lặp đặt tại Đà Nẵng. |
Theo ông Chính, thực tế qua các đợt mưa lớn, triều cường, lũ lụt trong những năm gần đây cho thấy thiệt hại về người và tài sản do đi qua ngầm tràn, hầm chui và đường phố bị ngập lụt sâu là vấn đề chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.
Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS đề xuất giải pháp như sau: Đối với ngầm tràn, tại vị trí ngập sâu nhất sẽ lắp đặt trạm điều khiển có gắn cảm biến mực nước, loa phóng thanh, đèn báo. Tại hai đầu ngầm tràn sẽ lắp bảng điện tử có hiển thị lời và âm thanh cảnh báo. Đối với hầm chui, đường phố bị ngập sâu lắp đặt cảm biến mực nước điện tử tại vị trí cần cảnh báo, kết nối với trạm điều khiển và hệ thống cảnh báo tương tự như ngầm tràn.
Đặc biệt, hiện nay yêu cầu về thông tin đảm bảo an toàn hạ du đập là yêu cầu bắt buộc đối với các hồ chứa nước lớn. Để cảnh báo hạ du trước khi xả lũ thì VFASS đưa ra giải pháp gồm thiết bị điều khiển và các trạm cảnh báo ngoài trời, trạm trung chuyển được lắp đặt dọc các sông suối hạ du hồ chứa.
Khi tiến hành xả lũ, người quản lý kích hoạt hệ thống phát cảnh báo bằng còi hụ và lời thoại thông qua nút điều khiển hoặc điện thoại di động. Tại các khu dân cư bị ngập sâu do xả lũ có thể bố trí hệ thống cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng để cảnh báo kịp thời cho nhân dân khi mực nước sông, suối dâng cao.
Cảnh báo lũ quét và mưa lớn vượt ngưỡng, là thử thách lớn trong phòng chống thiên tai. Do vậy giải pháp của VFASS đưa ra là tại vị trí thượng nguồn sẽ lắp đặt trạm điều khiển có gắn cảm biến mực nước. Dọc theo sông suối về phía hạ du lắp đặt các trạm cảnh báo ngoài trời và các trạm trung chuyển. Khi mực nước tại các trạm điều khiển ở thượng nguồn dâng cao đến mức cảnh báo thông qua giao tiếp LoRa, trạm điều khiển sẽ kích hoạt các trạm cảnh báo ngoài trời phát còi hụ để người dân kịp thời sơ tán... |