| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp canh tác thông minh với đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh

Thứ Sáu 19/04/2024 , 13:20 (GMT+7)

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL có thể là cách làm và giải pháp để đồng hành 'Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh'.

Hiệu quả từ chương trình hợp tác công tư (PPP) giữa Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Năm 2016, Công ty CP Phân bón Bình Điền khởi xướng và được sự phối hợp từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức thực hiện chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL".

Qua 7 năm thực hiện, với gần 500 mô hình trình diễn và hàng ngàn ha diện tích canh tác lúa khác đã được áp dụng.

Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã đạt được 3 mục tiêu chính: Giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Cụ thể, số liệu được thu thập từ Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL từ các mô hình cho thấy:

- Năng suất bình quân tăng 400 - 600kg/ha

- Chi phí bình quân tiết kiệm trên 1 triệu đồng/ha

- Lợi nhuận bình quân tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với đối chứng

Biểu đồ năng suất, chi phí đầu tư và lợi nhuận bình quân mô hình so với đối chứng.

Biểu đồ năng suất, chi phí đầu tư và lợi nhuận bình quân mô hình so với đối chứng.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL cũng đạt được nhiều kết quả khác.

Trong đó, công tác đào tạo, tập huấn kết hợp hội thi và tham quan các mô hình canh tác trong và ngoài nước đã giúp nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác cho hàng chục ngàn lượt nông dân và cán bộ kỹ thuật tại các địa phương.

Chương trình cũng đầu tư lắp đặt nhiều trạm quan trắc nước mặn, trạm cảm biến ước khô xen kẽ (ADW), trạm giám sát sầu, rầy tự động, biên soạn và xuất bản tài liệu, thực hiện nhiều video hướng dẫn kỹ thuật canh tác để phục vụ sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL.

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Cũng từ chương trình này, tiến bộ kỹ thuật và giải pháp canh tác lúa hiệu quả như: "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", ứng dụng cơ giới hoá, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước theo ướt khô xen kẽ… đã được nông dân áp dụng trong và ngoài các khu vực xây dựng mô hình.

Đồng thời, canh tác lúa theo hướng thân thiện môi trường, “mô hình ruộng lúa bờ hoa”, quản lý tốt hoá chất nông nghiệp để không có dư lượng trong lúa gạo đã được áp dụng và đạt được kết quả tốt.

Từ những kết quả đó, quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, theo Quyết định số 102/QĐ-TT-VPPN ngày 9/3/2023.

Nhân rộng quy trình canh tác lúa thông minh

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 13/3/2024 có bài “Nông dân trúng lớn khi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh với chi phí giảm nhưng năng suất tăng, đạt gần 10 tấn/ha, lợi nhuận 65 triệu đồng.

Đây là 1 trong số rất nhiều mô hình trình diễn và hội thảo, tập huấn để nhân rộng quy trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã được Công ty CP Phân bón Bình Điền và các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện trong năm 2023.

Đối với các mô hình trình diễn quy trình canh tác, tiếp tục cập nhật và bổ sung các giải pháp mới để nâng cao hiệu quả, trong đó, nhiều giải pháp mới đã đóng góp cho thành công chung như:

- Ứng dụng phân bón mới của Công ty CP Phân bón Bình Điền để tăng pH và phân giải hữu cơ trên đồng ruộng đầu vụ.

- Ứng dụng sạ cụm kết hợp vùi phân để giảm lượng giống gieo sạ, giảm số lần bón phần và lượng phân bón Đầu Trâu khoảng 30%.

- Sử dụng giống xác nhận chất lượng từ Vinarice - thành viên Vinaseed.

- Quản lý dịch hại tổng hợp kết hợp quy trình Much More Rice của Bayer Việt Nam để đảm giảm chi phí, số lần phân thuốc và không có dư lượng trong lúa gạo.

Sự kết hợp này tiếp tục là sự khác biệt và khẳng định tính hiệu quả của quy trình canh tác thông minh ở chỗ phải phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ và luôn cập nhật các giải pháp mới, hiệu quả vào trong canh tác.

Với các giải pháp như chương trình đang áp dụng, đã tiết giảm rất nhiều chi phí đồng thời tăng hiệu quả kinh tế như kết quả báo cáo từ các tỉnh đã thực hiện.

Trong đó, lượng giống gieo sạ hiện tại chỉ áp dụng 50-60kg/ha, lượng phân bón nhất là phân đạm chỉ khoảng 70-85kg/ha đối với mô hình bón vải và 50-65kg/ha đối với mô hình bón vùi phân.

Số lần phân thuốc bảo vệ thực vật giảm và lượng nước tưới cũng tiết kiệm đáng kể do áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ,…

Từ những giải vừa nêu, mặc dù chưa có đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính nếu áp dụng theo quy trình canh tác lúa thông minh.

Từ kết quả Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đã đạt được qua nhiều năm, cách thức triển khai thực hiện và sự đồng hành, hợp tác có hiệu quả của nhiều đơn vị: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng, Bayer, Vinarice… và sắp tới là Tập đoàn Tân Long để bao tiêu, một số công ty và tổ chức quốc tế để đánh giá giảm phát thải.

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL có thể là cách làm và giải pháp để đồng hành và thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Đề án “1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Xem thêm
Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất