| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào khai thác cát bền vững ở ĐBSCL?

Thứ Ba 16/08/2011 , 10:52 (GMT+7)

Mới đây, tại TP HCM, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức hội thảo về nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động khai thác cát làm thay đổi lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL, đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý.

ĐBSCL có trữ lượng cát dồi dào, ước tính lên đến hơn 854 triệu m3, phân bố trên địa bàn các tỉnh: Bến Tre (29,89%), Đồng Tháp (24,60%), Vĩnh Long (15,20%), An Giang (9,95%)… Trong những năm gần đây, hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu diễn ra rầm rộ. Thống kê có khoảng trên 120 tổ chức, cá nhân được các địa phương cấp phép khai thác. Theo báo cáo của Sở TN-MT các tỉnh, công suất khai thác cát hàng năm tại đây đạt hơn 21 triệu m3, trong đó nhiều nhất là Bến Tre (650.000 m3). Hiện tại trên các khu vực sông có hàng ngàn ghe khai thác cát vô tội vạ đang tàn phá môi trường, hủy hoại đời sống của người dân và thách thức các nhà quản lý.

Các điểm nóng khai thác cát lậu phải kể đến xã Phú Thuận B, Long Khánh A, Long Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp); khu vực thị trấn Tân Châu, cù lao Ba, cồn Khánh Hòa (An Giang), khu vực Tân Lộc, Cồn Sơn (Cần Thơ), Tân Phong, Rạch Miễu (Tiền Giang)… Các ghe, thuyền tải trọng trên dưới 10 tấn, với những chiếc vòi rồng đường kính hơn 20 cm và máy bơm công suất lớn đua nhau “móc ruột” lòng sông. Họ hút cát chủ yếu vào ban đêm, thường từ 22h đến 5h sáng hôm sau hoặc tại các khu vực giáp ranh. Do lực lượng thanh tra quá mỏng nên không kiểm soát nổi.

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, việc khai thác cát không dựa trên cơ sở khoa học, không theo quy hoạch và không kiểm soát chặt chẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng như xói lở, bồi ngoài quy luật, ảnh hưởng tới an toàn phòng lũ và các công trình trên sông, làm hạ thấp mực nước mùa kiệt khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thay đổi luồng lạch, thất thoát tài nguyên, mất trật tự xã hội và ảnh hưởng xấu tới môi trường…

Các nhà khoa học cho rằng, khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu cần tính đến bài toán kinh tế giữa hiệu quả và hậu quả do khai thác quá mức gây ra. Theo ông Cao Văn Be, GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang thì không phải cứ khai thác cát là dẫn đến sạt lở mà vấn đề là khai thác như thế nào để khỏi sạt lở? Vì vậy cần xác định cụ thể khối lượng cát ở từng mỏ, khai thác ở độ sâu bao nhiêu, cách bờ bao nhiêu là hợp lý…

Được biết Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đang nghiên cứu để xác định được trữ lượng cát, xây dựng kịch bản khai thác tối ưu, ít tác động bất lợi đến môi trường, xây dựng bản đồ quy hoạch khai thác cát, bản đồ vị trí mỏ, dự báo trữ lượng cát dọc chiều dài 2 sông… Từ đó đề xuất các cơ cấu, tổ chức, chính sách, quy chế quản lý hoạt động khai thác cát cũng như đề xuất quy trình khai thác cát hợp lý. PGS.TS Lê Mạnh Hùng, GĐ Viện Khoa học Thủy lợi VN cho biết, Viện sẽ điều tra, khảo sát thực trạng, dùng các thí nghiệm vật lý và mô hình, từ đó khuyến cáo các cơ quan quản lý, các DN và người dân các giải pháp quản lý, khai thác cát hợp lý.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.