Cây bìm bìm (bìm bôi - Merremia boisiana, bìm hoa trắng - Merremia eberhardtii) là loại cây leo thân gỗ đã gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế... Trước đây, loài cây này chưa gây hại nghiêm trọng nên chưa có nhiều công trình nghiên cứu về sinh học, sinh thái và biện pháp phòng trừ.
Tấn công rừng
Đầu những năm 1990, cây bìm bìm xuất hiện tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Từ năm 1999, loài cây này bắt đầu gây hại mạnh ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Từ các khe suối, bìa rừng, bìm bìm phát triển, che phủ cánh rừng thông, rừng keo lá tràm và “tấn công” rừng Bà Nà và các vùng rừng liền kề.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đà Nẵng, hiện có hàng nghìn héc ta rừng bị loại dây leo này che phủ, trong đó rừng Sơn Trà 920ha, rừng Hải Vân 1.000ha. Ngoài ra các khu rừng ở Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Bắc, huyện Hoà Vang cũng đã phát hiện sự có mặt của cây này. Toàn bộ khu vực Chân Mây, đèo Hải Vân cây bìm bìm đã bao phủ trên tất cả những tán cây của trạng rừng thứ sinh đang phục hồi. Đây là loại cây dây leo, sống rất khỏe, phát triển nhanh bằng hạt, thân, nhánh nên rất khó tiêu diệt.
“Có thể thấy rằng loài bìm bìm có mức độ xâm lấn, phát tán rất nhanh. Chúng có thể xâm lấn bất kỳ khu vực nào (các cánh rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, ven đường giao thông...) với các kiểu địa hình bằng phẳng, núi đá, có cây rừng hoặc không... Tác hại bìm bìm gây ra là vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và kinh tế”, ông Thái Văn Quang ở Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho biết.
Để xử lý cây bìm bìm, từ năm 2006 cơ quan chức năng đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo tiêu diệt bằng các biện pháp như chặt gốc, đào rễ, băm nhỏ, phơi khô và đốt. Ngoài ra phối hợp với một số cơ quan khác xử lý nhiều biện pháp khác nhau, theo đó đã xử lý gần 800ha. Tuy nhiên, để triệt tiêu loài cây này là rất khó khăn, tốn cả thời gian, công sức, kinh phí mà hiệu quả không triệt để, cây vẫn mọc tái sinh trở lại.
Cây bìm bìm xâm hại ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
TP Đà Nẵng cũng đã mời các nhà khoa học của Úc tư vấn nhưng chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả kể cả tính đến giải pháp sử dụng thuốc hoá học để phun trừ cây bìm bìm, vì nếu phun thuốc chọn lọc hiệu quả sẽ không cao, còn phun thuốc không chọn lọc thì sẽ tiêu diệt toàn bộ cây rừng, chưa kể khó khả thi khi triển khai trên diện lớn ở vùng núi cao.
Đã tìm được cách diệt
Đứng trước thực trạng đó, tháng 11/2015, Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN) được giao thực hiện đề tài: "Nghiên cứu các biện pháp cấp bách để ngăn chặn và xử lý hiệu quả cây bìm bìm tại Đà Nẵng và vùng phụ cận" do TS Đặng Thị Phương Lan là chủ nhiệm.
Viện Môi trường nông nghiệp đã phối hợp với Sở NN-PTNT Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao KH-CN & dịch vụ Hội An thực hiện nhiều công thức thí nghiệm diệt trừ cây bìm bìm để ngăn chặn sự lây lan và biện pháp quản lý bền vững.
Triển khai nhiều biện pháp mà thế giới đã từng áp dụng cũng như kinh nghiệm của VN trong việc phòng trừ các loài cỏ dại xâm lấn như: Biện pháp chặt, phun thuốc trừ cỏ lên lá, chặt và phun thuốc trừ cỏ lên mầm tái sinh, cắt gốc và quét thuốc trừ cỏ lên vết cắt, tiêm và truyền thuốc trừ cỏ vào toàn bộ thân cây, chặt và tiêm thuốc trừ cỏ vào gốc, bước đầu đã thu được kết quả khả quan.
Bìm bìm phát triển nhanh, xâm hại rừng
Qua đó khẳng định biện pháp thủ công như chặt không thể tiêu diệt triệt để cây bìm bìm, vì cây mọc tái sinh rất nhanh từ gốc. Phần thân cây phía trên nếu bò lan trên mặt đất có thể hình thành rễ để mọc thành cây độc lập sau chặt, vì vậy hiệu quả rất thấp.
Biện pháp phun thuốc trừ cỏ lên lá có hiệu quả cao nhưng gây ảnh hưởng tới cây rừng và các loài thực vật khác lân cận. Biện pháp quét thuốc vào gốc cắt và phun thuốc diệt mầm tái sinh đều có hiệu quả nhưng không cao và cũng chỉ diệt được gốc cây.
Biện pháp tiêm thuốc trừ cỏ vào thân có hiệu quả cao rõ rệt, thuốc có thể diệt toàn bộ cây sau 2 tháng nhưng khó khăn là việc tiêm thuốc thường mất thời gian do bìm bìm là cây thân thịt, có mạch gỗ và mạch libe đan xen nhau, kim tiêm thường bị nhựa cây bít chặt, khó tiêm truyền.
Ông Nguyễn Huy Mạnh, Phó trưởng Bộ môn An toàn & đa dạng sinh học, Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, đã nghiên cứu cải tiến biện pháp đưa thuốc vào thân để vẫn đảm bảo không bị rơi thuốc ra môi trường mà rút ngắn thời gian xử lý bằng cách tạo vết thương trên thân (đục lỗ) và đổ trực tiếp thuốc vào thân cây. Ban đầu nhóm nghiên cứu cũng không hy vọng là thuốc có thể xâm nhập vào cây dễ dàng nhưng rất bất ngờ chỉ sau 30 - 40 phút, toàn bộ lượng thuốc đã được xâm nhập hết. Công việc tiếp theo là phải xác định được lượng thuốc tối ưu để vừa diệt cây vừa tiết kiệm thuốc.
Chặt phá bìm bìm nhưng hiệu quả không cao
Theo kinh nghiệm trong phòng trừ cỏ dại, việc xác định lượng thuốc phải căn cứ vào diện tích che phủ của tán cây, nhưng do cây bìm bìm mọc trong rừng, bò lan rộng rất khó xác định nên nhóm đã tiến hành thí nghiệm xác định lượng dùng theo đường kính thân cây. Cho đến nay, cơ bản đã tìm ra được lượng dùng tối ưu. Nhóm nghiên cứu cũng đã cải tiến biện pháp đưa thuốc vào thân theo phương pháp truyền dịch, sau 20 ngày đưa thuốc vào thân, cây đã vàng lá và chết dần, sau 3 tháng cây đã chết hoàn toàn cả ngọn, gốc và rễ.
2 loại thuốc trừ cỏ được sử dụng trong nghiên cứu gồm một hoạt chất không chọn lọc Glyphosate (tức là thuốc sẽ diệt hết các loài thực vật nếu áp dụng phun trùm lên toàn bộ tán cây) và một hoạt chất thuốc chọn lọc là Metsulfuron methyl (thuốc chỉ trừ cây lá rộng). Cả 2 hoạt chất này đều đang thuộc danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
“Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Đà Nẵng và một số nhà khoa học tiến hành đánh giá dư lượng thuốc trong đất và trong cây sau xử lý để đảm bảo không có sự phát tán thuốc ra môi trường thông qua hoạt động trao đổi chất của cây cũng như thông qua xác cây sau chết. Xác suất xảy ra phát tán thuốc ra môi trường là rất thấp, vì thông thường chỉ sau 10 - 15 ngày là thuốc đã phân huỷ hết”, ông Mạnh cho biết.