Hiện nay, dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Bảo Thắng chỉ đạt trên 50% dung tích thiết kế, mặc dù có lượng trữ nước tương đối, nhưng diện tích phục vụ tưới không lớn do phần lớn các hồ chứa có dung tích nhỏ. Do vậy, phần lớn diện tích canh tác lấy nước từ sông, suối, các khe nước trên đồi, núi đều phụ thuộc các đập dâng nhỏ hoặc một phần diện tích canh tác chờ nước trời. Khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước sản xuất vụ đông xuân năm 2024-2025 trên địa bàn huyện là rất lớn.
“Giải pháp trước mắt huyện đưa ra là sử dụng, tận dụng các nguồn sinh thủy, tụ thủy đang có, chủ động sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi, hồ chứa và máy bơm hiện có để chủ động. Giao cho các tổ chức, cá nhân, các cơ sở quản lý và sử dụng nguồn nước thật hiệu quả… Các xã linh động điều chỉnh thời điểm xuống giống thích hợp. Tính toán, rà soát lại diện tích, để có phương án vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng cạn cho phù hợp, nhằm tiết kiệm nước tưới và tăng hiệu quả sản xuất”, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho hay.
Tại xã Thái Niên của huyện Bảo Thắng trước đây được đánh giá là nơi thường xuyên xảy ra thiếu nước vào vụ đông xuân. Tuy nhiên, cùng với việc sử dụng nước hiệu quả, bà con nhân dân trong xã đã chuyển đổi 230ha đất lúa sang trồng rau màu và cây ăn quả.
Hiện nay, ngoài nước mương tự chảy, các hộ dân đắp phai để bơm lên sử dụng. Các vườn nhà, người dân sử dụng nước giếng để tưới tiêu. Các diện tích bãi bồi thì bà con dùng nước sông Hồng để sản xuất, do vậy khắc phục được tình trạng thiếu nước mùa khô hạn.
Ngoài ra, thời gian gần đây, bà con chăm sóc và phát triển kinh tế đồi rừng nên trên địa bàn xã cơ bản không còn đất trống. Độ che phủ rừng lớn nên tạo nguồn nước cung ứng cho các khe suối, không xảy ra mất nước cục bộ.
Theo ông Đỗ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Thái Niên, trước mùa vụ huyện đã có cảnh báo để có giải pháp sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất. Căn cứ vào đó, xã chỉ đạo thôn, bà con nhân dân thường xuyên duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hồ chứa, mương máng… Đặc biệt cánh đồng thôn Báu, chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa nước sang trồng rau màu. Lượng nước từ van chảy ra cánh đồng được điều tiết đủ để sử dụng, không cho chảy thường xuyên. Qua việc sử dụng nước hiệu quả đã đảm bảo sự phát triển của vùng rau chuyên canh và cây ăn quả.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai, các địa phương tiếp tục tăng cường bảo vệ công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; tranh thủ tích, trữ nước vào ao hồ, kênh, bảo vệ nguồn nước. Sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là phương án cấp nước cho sản xuất.
Bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi…