| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết 6 thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Năm 23/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt là 6 vấn đề ‘nóng’ ở ĐBSCL mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án tổng thể.

Sạt lở bờ sông ở Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Sạt lở bờ sông ở Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, trong gần 1 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần ra văn bản giao Bộ NN-PTNT có giải pháp tổng thể về tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và nước sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua 2 văn bản nói trên, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khẩn trương xây dựng “Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Đề án). 

Tại buổi báo cáo về dự thảo Đề án, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết, ĐBSCL hiện có 94% diện tích có cao độ dưới 2m, rất nhạy cảm với ngập nước, triều cường và xâm nhập mặn. ĐBSCL có địa chất mềm yếu nên rất dễ xói lở.

Trong thời gia qua, có 3 yếu tố đang tác động mạnh tới ĐBSCL là phát triển ở thượng nguồn sông Mekong; biến đổi khí hậu - nước biển dâng; lún sụt, hạ thấp lòng dẫn. Trong đó, phát triển ở thượng nguồn sông Mekong đang góp phần làm gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng xói lở bờ biển, thiếu nước ngọt. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ngập úng và làm gia tăng xâm nhập mặn. Lún sụt, hạ thấp lòng dẫn cũng làm gia tăng xâm nhập mặn, tăng ngập và khó tiêu thoát nước.

Do tác động từ phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL đang biến động theo xu thế giảm so với trước đây. Cụ thể, từ năm 2011 trở về trước, cứ khoảng 4 - 5 năm sẽ xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, lũ nhỏ liên tục xuất hiện và không có đỉnh lũ nào vượt báo động 3. Trong tương lai xa, khoảng 30 - 50 năm tới, số năm xuất hiện lũ lớn sẽ gần như không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ, thậm chí không có lũ.

Ngập úng ở Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Ngập úng ở Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Từ năm 2013 đến nay, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn 1 - 1,5 tháng so với giai đoạn 2004 - 2012. Cao điểm của mùa xâm nhập mặn từ 2013 đến nay cũng dịch chuyển sớm hơn 1 - 1,5 tháng so với trước đây. Trong mùa khô 2023 - 2024, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm.

Xâm nhập mặn vẫn đang tiếp tục gia tăng. Dự báo đến năm 2030, ranh mặn 4g/l tăng bình quân 3,34 km so với hiện tại; đến năm 2050, ranh mặn 4g/l tăng bình quân 6,7 km so với hiện tại.

Tình trạng sụt lún ở ĐBSCL cũng đang diễn ra một cách liên tục. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy, ĐBSCL đang bị lún bình quân từ 0,5 - 3cm/năm; riêng vùng ven biển bị lún bình quân 1,5 - 2,5cm/năm. Giả thiết tốc độ lún không được kiểm soát (vẫn duy trì mức như hiện nay), ĐBSCL phổ biến lún từ 0,5 - 3 cm/năm, riêng bán đảo Cà Mau bị lún từ 1,5 - 3 cm/năm. Dự báo đến năm 2100, nhiều vùng ở ĐBSCL bị hạ thấp 1,5 - 2,0 m.

Trong khi đó, sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐSBCL đang xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, đã xuất hiện hiện tượng sạt lở do khô hạn.

Phát biểu tại buổi báo cáo Đề án, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng Đề án phải tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro thiên tai ở ĐBSCL, quan tâm tới các giải pháp phi công trình như tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” phải giải quyết tổng thể giữa sạt lở, sụt lún, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và nước sinh hoạt. Với những vấn đề này, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn để giải quyết từng bước, nhưng có những việc phải giải quyết dứt điểm như sạt lở bờ biển Tây, thiếu nước sinh hoạt… Ngoài các giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình cũng phải được đưa vào đề án, nhất là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và theo nguồn nước. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; đưa ra các giải pháp về khoa học, công nghệ…

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.