Buổi hội thảo báo cáo tiến độ đợt 1 “Xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. “Nhiều khu vực xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ngay trong những ngày vừa qua, tại khu vực đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng đã xảy ra vụ sạt đê biển Tây lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 110m, tràn cục bộ làm ngập hơn 300 nhà”, ông Tiến thông tin.
Cũng theo ông Tiến, tại ĐBSCL, các nghiên cứu và báo cáo từ các địa phương gần đây cho thấy, vấn đề khai thác cát sỏi không bền vững cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún công trình hạ tầng ở ĐBSCL diễn ra nhanh chóng.
Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình Nước ngọt, Giám đốc Dự án IKI SMP (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam) cho rằng, ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, vựa lúa của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn, việc khai thác cát không bền vững, khai thác nước ngầm, cũng như việc sử dụng nhiều hóa chất trong hoạt động canh tác, làm cho ĐBSCL trở lên rủi ro cao hơn, đặc biệt đứng trước diễn biến của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. “Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững, thích ứng ở ĐBSCL. Nghị quyết này làm cơ sở để các hoạt động của chúng ta hướng tới cam kết từ Chính phủ, chính quyền địa phương và các hội đồng tham gia trong việc phát triển bền vững của ĐBSCL”, ông Việt cho hay.
Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF Châu Âu – Thái Bình Dương nhận định, cát là chìa khóa để duy trì đường bờ biển và sự ổn định hình thái của các cửa sông ĐBSCL, các mô hình lũ lụt và ngăn chặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Tác động của việc khai thác cát chưa được giải quyết đầy đủ bằng chính sách và nghiên cứu khí hậu.
“Giải quyết vấn đề khai thác cát, như một phần của nỗ lực toàn diện, có hệ thống nhằm xây dựng một vùng đồng bằng có khả năng chống chịu tốt hơn là một hành động hiệu quả về chi phí để giải quyết các rủi ro khí hậu của ĐBSCL”, ông Marc Goichot khuyến nghị.
Để đa dạng sinh học nước ngọt, ông Marc Goichot cho rằng, cần để sông chảy tự nhiên hơn, cải thiện chất lượng nước trong các hệ sinh thái nước ngọt, bảo vệ và phục hồi các môi trường sống quan trọng. Đặc biệt, chấm dứt đánh bắt quá mức & khai thác cát không bền vững ở sông hồ, ngăn chặn & kiểm soát các cuộc xâm lấn của các loài không phải bản địa. Bảo vệ các dòng sông chảy tự nhiên và loại bỏ các đập cũ.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và các sở ngành 13 tỉnh ĐBSCL. Hội thảo nhằm công bố chính thức kết quả bước đầu của các hoạt động quan trọng của dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL thông qua sự tham gia của khối công và tư trong ngành công nghiệp cát”, đặc biệt là Ngân hàng Cát.
Tại hội thảo, đại diện liên doanh tư vấn Deltares và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam trình bày báo cáo kết quả sơ bộ và ghi nhận ý kiến phản hồi từ các đối tác các cấp về kết quả đợt khảo sát mùa khô năm 2022, thống nhất kế hoạch và phương pháp thực hiện khảo sát mùa mưa 2022; Đại điện từ các Bộ, ban, ngành và WWF-Việt Nam giới thiệu cách tiếp cận ở cấp độ vùng hướng đến lưu vực sông Mekong bền vững và xác định các cơ hội để tích hợp Ngân hàng Cát và Kế hoạch duy trì tính ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL vào các chính sách và quy định liên quan...
Đồng thời, hội thảo cũng lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, địa phương nhằm đánh giá việc khai thác cát sỏi, đặc biệt là khai thác không bền vững cùng với hiện tượng nước biển dâng và tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mê Kông và tại các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, góp phần hỗ trợ triển khai thực hiện dự án một cách có hiệu quả, đảm bảo các kết quả, sản phẩm của Dự án phù hợp với tình hình thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL.
Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long” được WWF-Việt Nam hợp tác cùng Tổng Cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN-PTNT triển khai từ năm 2019. Dự kiến kết thúc vào năm 2023 và được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức thông qua WWF-Đức.
Dự án sẽ góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế xã hội do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng/tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát sỏi) cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng; Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL; Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.