Năm 2019 Bộ NN-PTNT đã bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh (tỷ lệ cắt giảm 72.7%). |
Theo Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là hoạt động trọng tâm được Bộ NN-PTNT thực hiện thường xuyên năm 2019. Cụ thể, tổng số văn bản được rà soát năm 2019 là 553 văn bản, trong đó có 160 văn bản hết hiệu lực. Tổng số văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới là 39 văn bản.
Cũng trong năm 2019, Bộ NN-PTNT đã ban Quyết định số 321/QĐ-BNN-PC ngày 24/01/2019 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT năm 2018 với 106 văn bản.
Trong lĩnh vực rà soát văn bản theo chuyên đề, Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực NN-PTNT đảm bảo chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đầu năm 2019 lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh, đến nay Bộ NN-PTNT đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh và 136 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa (tỷ lệ cắt giảm: 72.7%).
Song song với cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ NN-PTNT cũng đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm: trên 77%) tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TTBNNPTNT. Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Bộ (https://www.mard.gov.vn/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=132335).
Việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, quy định cụ thể cơ quan kiểm tra, phương thức kiểm tra có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá sự phù hợp, kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả số văn bản được rà soát 22 văn bản, số văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 15 văn bản. Rà soát về giống cây trồng lâm nghiệp đạt kết quả số văn bản được rà soát 14 văn bản, số văn bản đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một văn bản điều chỉnh về giống cây trồng lâm nghiệp.
Năm 2019 Bộ NN-PTNT cũng đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 77%). |
Cũng trong năm 2019, Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) kiểm tra, xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của địa phương, của Bộ theo quy định. Trong đó, Bộ NN-PTNT chủ động tự kiểm tra 11 Thông tư do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành, kết quả kiểm tra không có văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 106 văn bản do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ NN-TNT, phát hiện có 11 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Ngay sau đó, Bộ đã có 2 văn bản thông báo kết quả kiểm tra gửi địa phương để tự kiểm tra, xử lý theo quy định (Công văn số 7555/BNN-PC ngày 10/10/2019 gửi UBND tỉnh Bến Tre; Công văn số 7556/BNN-PC ngày 10/10/2019 gửi UBND tỉnh Đồng Nai).
Tại Báo cáo số 1014, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá ưu điểm trong năm 2019 là các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã chủ động thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo kế hoạch của Bộ và gửi kết quả về Vụ Pháp chế tổng hợp theo quy định. Chất lượng rà soát văn bản của các đơn vị có nhiều tiến bộ, là cơ sở quan trọng trong việc đề xuất nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL của Bộ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, còn một số đơn vị gửi kết quả hệ thống hóa chậm như: Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy sản; Các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học công nghệ và môi trường, Hợp tác quốc tế, Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp, Thanh tra Bộ; Các Cục Trồng trọt, Thú y, Chế biến và PTTTNS, Quản lý xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, một số đơn vị gửi kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực NN-PTNT còn chậm như Cục Chăn nuôi, Thú y.