| Hotline: 0983.970.780

Luật Đất đai sửa đổi cần phù hợp với Luật chuyên ngành của ngành nông nghiệp

Thứ Ba 28/02/2023 , 11:02 (GMT+7)

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật Đất đai sửa đổi cần phù hợp với các Luật chuyên ngành của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Luật đất đai phải phù hợp với 7 luật chuyên ngành nông nghiệp

Sáng 28/2, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp; Vụ Pháp chế; Trường ĐH Lâm nghiệp... cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên nhận định, Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ tác động tới 7 Luật chuyên ngành của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội nghị Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tổ chức sáng 28/2 tại Trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà Nội). Ảnh: Huy Bình.

Hội nghị Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tổ chức sáng 28/2 tại Trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà Nội). Ảnh: Huy Bình.

Cụ thể: 07 Luật chuyên ngành trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bị tác động do các điều khoản tại Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua, gồm các Luật: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi.

“Để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các Luật chuyên ngành, việc sửa Luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các Luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật tại Điều 4 của Dự thảo” - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên phát biểu tại Hội nghị Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực nông – lâm – ngư – nghiệp được tổ chức sáng ngày 28/2 tại Trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà Nội).

Theo Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, nhiều nội dung góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được cơ quan chủ trì (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa được tiếp thu, chỉnh sửa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị chỉnh sửa tại Dự thảo Luật.

Cụ thể: về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật hiện nay đang mở rộng quy định chế độ, đối tượng sử dụng, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích đất nông nghiệp nói chung (bao gồm cả đất trồng lúa, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên), nội dung này cần tiếp tục thể chế cụ thể, đảm bảo thực hiện theo đúng tính thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên…Theo đó, đề nghị cần thể chế nội dung này.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên. Ảnh: Huy Bình.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên. Ảnh: Huy Bình.

Luật cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84.46% diện tích đất tự nhiên cả nước. Do đó, đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nhất là việc điều tra, đánh giá về đất đai; xây dựng kế hoạch, định hướng sử dụng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Hiện nay, tại Điều 58 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai (điểm a, điểm b khoản 2 Điều 58); chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh (điểm d khoản 2 Điều 58).

Như vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT mới chỉ phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh, trong khi để đảm bảo việc sử dụng đất nông nghiệp được hiệu quả, tiết kiệm phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong điều tra, đánh giá về đất nông nghiệp (gồm điều tra đánh giá, quan trắc, giám sát, bảo vệ cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất nông nghiệp).

Đồng thời, cần phân loại đất điều tra theo mục đích sử dụng như phân loại đất nông nghiệp tại Điều 10, phân thành nhóm đất: Nông nghiệp, Phi nông nghiệp và Đất chưa sử dụng để có phương pháp điều tra đánh giá phù hợp, hiệu quả.

Bộ NN-PTNT tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; rà soát, báo cáo đề xuất định hướng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Huy Bình.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Huy Bình.

Về góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tham gia các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, góp ý kiến bằng văn bản (04 lần) đối với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến.

Tổ chức lấy ý kiến các đối tượng liên quan bằng nhiều hình thức như  Họp, hội thảo lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp Nông nghiệp. Ngày 8/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến góp ý của các đơn vị thuộc Bộ, các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Lập phiếu điều tra khảo sát, gửi lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, 63 Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về nhóm đất nông nghiệp (đất chăn nuôi, đất dùng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, hạn mức giao đất nông nghiệp; người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ được linh hoạt sử dụng nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất; quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; phân cấp cho địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là cần thiết.

Có ý kiến tại Phiếu Thành viên Chính phủ trong đó tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉnh sửa 35 nội dung, vấn đề còn có ý kiến khác.

Nội dung xin ý kiến là những vấn đề trọng tâm: Phân loại đất và chính sách đối với từng loại đất; Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Chế độ sử dụng đất đa mục đích; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; di dân, tái định cư; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.