Dần tự chủ cung ứng các nguyên liệu chính
Nếu chỉ nhìn vào một thứ, thì bạn sẽ bỏ qua những cơ hội khác. Bài toán thức ăn chăn nuôi là câu chuyện lớn để chúng ta từng bước hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng là “làm chủ việc cung ứng các nguyên liệu chính” như giống, thức ăn gia súc, phân bón.
Nền nông nghiệp của chúng ta chứa đựng rất nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề đó là lệ thuộc vào nguyên liệu, vật tư đầu vào nhập khẩu từ 50 - 60% ở lĩnh vực trồng trọt; 70 - 80% ở lĩnh vực chăn nuôi; 90% ở lĩnh vực thủy sản.
Từ thực trạng đó, tôi đã phát biểu rất nhiều lần ở các hội nghị rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa song hành với thu nhập của người nông dân. Bởi vì chúng ta tăng trưởng dựa vào tăng chi phí đầu vào. Chúng ta mới chỉ thống kê sản lượng, giá cả, nhưng nếu là tư duy kinh tế thì phải nói về cả chi phí và kỹ thuật.
Chi phí đầu vào là yếu tố quan trọng nhất. Xưa giờ chúng ta mới chỉ mang máng về vấn đề đó chứ chưa có nghiên cứu nào thực sự tường tận để xem thực tế tăng trưởng của ngành chăn nuôi đóng góp như thế nào vào thu nhập của người nông dân? Chắc chắn nó sẽ không song song với nhau, đó chính là vấn đề. Nghĩa là, phân phối tăng trưởng đó không bao trùm tới người trực triếp chăn nuôi.
Tôi rất nóng ruột khi đọc tài liệu về cách một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan thích ứng với sự thay đổi nhanh của thế giới trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tăng vọt. Họ chuyển rất là nhanh. Họ đẩy mạnh nền nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng toàn bộ phụ phẩm, giảm chi phí sản xuất. Tôi có cảm giác như các quốc gia này đang làm một cuộc cách mạng rất lớn để hướng tới một nền nông nghiệp tự chủ.
Vấn đề giảm lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được đưa ra bàn luận rất nhiều lần, từ thời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nhưng rất tiếc là chúng ta chưa đeo đuổi nó đến cùng. Bởi vậy, khi thị trường thế giới biến động, chúng ta đã thấy những phản xạ đầu tiên được báo chí phản ánh như “Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân như ngồi trên đống lửa”…
Dẫu biết rằng lợi thế so sánh sản xuất nguyên liệu của chúng ta kém hơn nhiều quốc gia trên thế giới, nên không thể cạnh tranh được. Họ sản xuất ngô, đậu tương trên đơn vị diện tích là vài nghìn héc ta, còn đơn vị sản xuất của chúng ta là vài sào, quy mô nhỏ, công nghệ thiếu đồng bộ nên chi phí cao. Chưa kể các quốc gia còn nghiên cứu, ứng dụng rất sớm những công nghệ biến đổi gen trong chọn tạo giống để đẩy năng suất, chất lượng với chi phí thấp.
Do đó, chúng ta cần đào sâu suy nghĩ xem có thể tư duy với các tiếp cận nào khác hay không? Nhìn từ đại dịch Covid-19 đến sự đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng nông sản do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng ta thấy rằng thế giới thường xuyên biến động và mãi mãi biến động.
Thành ra, mỗi quốc gia đều tìm kiếm sự tự chủ. Bởi thế giới hiện nay không giống như ngày xưa nữa, nếu chúng ta lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, thì giá nguyên liệu đầu vào tăng lên bao nhiêu chúng ta cũng phải chấp nhận.
Chắc chắn, chúng ta không thể thay thế hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước, vì trước mắt, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu rẻ hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế dần, thay thế từng phần, từ 5% lên 10%, 15% cũng rất tốt rồi. Chúng ta giảm phần lệ thuộc đi, chứ đừng nghĩ đến việc ngưng hẳn nhập khẩu ngô, đậu tương.
Không có việc gì khó, chỉ có không chịu làm mà thôi
Hồi tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đi thăm một HTX chăn nuôi lợn quy mô lớn ở ngoại thành Hà Nội, ông Giám đốc HTX nói rằng nguyên liệu ngô để chế biến cám chủ yếu là nguồn nhập khẩu, nhưng HTX vẫn thường mua dự trữ một phần ngô ở các tỉnh Tây Bắc nước ta.
Tôi hỏi: “Nghe nói giá ngô trong nước cao hơn ngô nhập khẩu, sao ông lại nhập ngô của Việt Nam để dự trữ?”, ông Giám đốc nói: “Có gì đâu anh ơi, một năm có 12 tháng, có những lúc giá ngô của mình thấp hơn ngô nhập khẩu. Tôi canh đúng thời điểm đó để mua, mặc dù lượng ngô nhập không thay thế hoàn toàn nhưng cũng thay thế một phần”.
Không có việc gì khó, chỉ có không chịu làm mà thôi. Vấn đề nào cũng có cách giải quyết của nó, quan trọng là chúng ta có dày công tư duy về nó hay không. Người thành công thì tìm các giải pháp, còn người thất bại thì tìm cách biện minh, mà tìm lý do thì rất dễ. Chúng ta đừng nghĩ đến làm việc gì đó lớn lao, hãy nghĩ đến thay đổi từng phần. Tôi đề nghị chúng ta phải xới xáo chuyện này để làm. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch… cũng phải nghiên cứu để phục vụ lĩnh vực chăn nuôi. Ngược lại, Viện Chăn nuôi cũng phải nghiên cứu phục vụ lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thì mới giải quyết vấn đề này được.
Thủ tướng nhiều lần nói: “Phải lấy người nông dân làm trung tâm trong mọi hoạt động của ngành nông nghiệp”, người chăn nuôi là những người nông dân nhỏ bé, nhạy cảm vô cùng, giá cả tăng hay giảm đều tác động đến nông dân rất lớn, còn các doanh nghiệp lớn có sức chống chịu tốt hơn.
Do đó, chúng ta cần phải suy nghĩ thấu đáo câu chuyện này. Đơn giản nhất là mấy bác nông dân lấy rau lang (thân và lá cây khoai lang), cây chuối ngoài ruộng, ngoài vườn phối trộn với thức ăn tinh để độn thêm, giảm chi phí chăn nuôi. Nếu chúng ta chuẩn hóa từ những quy trình đó, cộng với sự nghiên cứu của nhà khoa học để đưa ra những công nghệ, thiết bị xử lý, thì sẽ ra được các quy trình công nghệ cho các nông hộ.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, cần định hướng mỗi làng có một HTX để chuyên thu gom, chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp. Bởi trước nay, phong trào xây dựng nông thôn mới thường đua nhau sản xuất, đua nhau để trồng, đua nhau nuôi mà không có người chú ý đến các dịch vụ hậu cần, dịch vụ thu gom phụ phẩm để chế biến, tạo giá trị gia tăng.
Xưa giờ, HTX chủ yếu đi thu mua nông sản để bán, vậy tại sao không có HTX chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi? Nếu thúc đẩy được vấn đề này thì chúng ta sẽ tạo ra được nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Ở Trung Quốc, chỉ việc đi thu mua bã cà phê đã tạo việc làm cho mấy chục nghìn người. Thành ra, nếu tư duy tích hợp, chúng ta có thể thay đổi hình thái của kinh tế hộ, kinh tế nông thôn. Từ câu chuyện đó tạo ra thương hiệu cho nông sản của Việt Nam.
Khi chúng ta tính chi phí sản xuất ngô, đậu tương trong điều kiện bình thường thì sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh được với sản phẩm trong nước, nhưng nếu trong điều kiện bất thường và mãi mãi bất thường như hiện nay, thì chi phí vận chuyển tăng rất cao. Giá cả sản phẩm nhập khẩu sẽ cộng thêm bao nhiêu nữa? Họ có thể sản xuất chi phí tháp hơn mình, nhưng họ phải cộng thêm chi phí vận chuyển thành ra giá bán tăng lên. Trong khi đó, trong xóm, trong vườn mình gom lại, chỉ mất rất ít chi phí vận chuyển.
Nếu nhìn những khó khăn trong quá khứ, chúng ta tưởng chừng như không thể nào đảo chiều cán cân nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được, thì nay nó từ từ cân bằng được do bối cảnh khác rồi. Ví dụ, giá ngô hiện nay đã tăng khoảng 50% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, cao hơn giá thóc rồi.
Một lãnh đạo Ngân hàng Thế giới từng chia sẻ: “Việt Nam phải cân nhắc cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi”. Bởi vì bối cảnh đã khác do tác động của vấn đề dịch bệnh, chiến tranh, bảo hộ mậu dịch… Thường thường, chúng ta cân nhắc quá nhiều cái giá phải trả để thay đổi, nhưng đến khi nào chúng ta cân nhắc cái giá phải trả nếu như không chịu thay đổi?
Suy cho cùng, chúng ta chỉ được hưởng một khúc nhỏ trong chuỗi giá trị chăn nuôi thôi, vì 80% nguyên liệu là phải nhập khẩu rồi. Không lẽ nền nông nghiệp cứ mãi lấy công làm lời?