Nghệ An - một trong những địa phương tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc động vật của cả nước và là điểm trung chuyển thịt giữa các tỉnh thành tại Việt Nam cũng như nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan,...
Địa bàn tỉnh hiện có hơn 940 trang trại chăn nuôi cũng như nhiều nhà máy giết mổ và chế biến thịt, làm gia tăng lưu lượng hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm động vật. Chính vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại Nghệ An cần được đặc biệt chú trọng.
Ngày 6/12 tại Nghệ An, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tập huấn tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm, kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Đội phó Đội Văn phòng Tổng hợp Ban quản lý chợ Vinh (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã có những chia sẻ về hoạt động mà Ban quản lý chợ Vinh triển khai để nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiểu thương.
Từ định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan chức năng, Ban quản lý chợ không chỉ tuyên truyền rộng rãi về các kiến thức liên quan đến ATTP mà còn chú trọng việc kiểm tra, tìm hiểu kỹ lưỡng về xuất xứ của các sản phẩm.
“Trước hết, tiểu thương cần đảm bảo sức khỏe cho chính gia đình mình, những người xung quanh và người tiêu dùng bằng cách cung cấp những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, chợ Vinh là một trong những chợ truyền thống lâu đời và uy tín nhất của thành phố, vì vậy, Ban quản lý chợ luôn khuyến khích bà con tiểu thương nhập và bán những thực phẩm thịt sạch, chất lượng và đảm bảo vệ sinh, ATTP để giữ vững uy tín của chợ và tạo niềm tin đối với khách hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay Ban quản lý chợ Vinh chỉ quản lý về hộ kinh doanh tại chợ, trong khi các mặt hàng ở chợ vẫn còn bán theo phương pháp truyền thống và chưa thể tuân thủ tuyệt đối về quy định ATTP trong cả chuỗi.
Mặt khác, rất khó để người tiêu dùng kiểm tra và xác nhận thực phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh chỉ bằng mắt thường. Công tác giám sát, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều, thường xuyên biến động, không tập trung. Bên cạnh đó, giờ làm việc, giết mổ của tiểu thương bắt đầu từ sáng sớm (3-4 giờ sáng) và chế biến tại chỗ.
Để đạt được mục tiêu ATTP cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành cùng với sự tham gia, ủng hộ của cộng đồng. Thời gian tới, Ban quản lý chợ cần phối hợp sát sao với chính quyền địa phương để đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP.
Khuyến khích người dân tìm hiểu sâu về ATTP, trang bị kiến thức đầy đủ để có quyết định sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm. Đặc biệt, báo chí phải vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn và biện pháp nâng cao ATTP trong cả chuỗi để sản phẩm được đạt chuẩn trước khi đưa ra bán tại chợ truyền thống.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam: “Những trang trại có uy tín và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thường là những cơ sở đạt chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và chứng nhận an toàn dịch bệnh. Vì vậy, cần truyền thông mạnh mẽ về các trang trại này để các tiểu thương, người kinh doanh thực phẩm nhận biết và lựa chọn khi nhập hàng.
Cần tuyên truyền các giải pháp đối với người bán, như cải tiến trang thiết bị, vệ sinh chuồng trại và nơi giết mổ. Tăng cường công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tạo động lực giúp người bán chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm", bà Hạnh cho biết.